Cả nước vẫn còn hơn 1,49 triệu người mù chữ

TPO - Hiện tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 – 60 của toàn quốc là 97,85%, tuy nhiên, cả nước vẫn còn hơn 1,49 triệu người mù chữ.

Sáng 12/10, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 – 2020.

Theo đó, tỷ lệ các xã đạt chuẩn tiêu chí trường học các cấp là 52,44%, tăng gần 23,7% so với năm 2010. Về chỉ tiêu phổ cập giáo dục, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017.

Tính đến tháng 12/2018, 100% các địa phương, đơn vị duy trì phổ cập giáo dục mầm non. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thể hiện rõ sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền.  

Trong năm 2019, 99,63% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tăng 3,12% so với năm 2010; tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 95,63%. Năm 2018, tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS là 100%.

Tuy nhiên, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp.

Hiện, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 – 60 của toàn quốc là 97,85%. Cả nước vẫn còn hơn 1,49 triệu người mù chữ. Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Về tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, năm 2019, 43,34% các trường THPT đạt chuẩn. Tỷ lệ này trên cả nước tăng xấp xỉ 30%, tuy nhiên tập trung vào giai đoạn 2010 – 2015 (gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 – 2019).

Cả nước vẫn còn hơn 1,49 triệu người mù chữ ảnh 1 Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, để thực hiện các mục tiêu của Chương trình giai đoạn sau 2020, các đơn vị cần xác định rõ, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình, căn cứ vào thực tiễn của cơ sở và mục tiêu Chương trình để xây dựng kế hoạch chi tiết

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới tiếp tục tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng tối thiểu yêu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; tiếp tục củng cố duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, trong đó duy trì 100% đơn vị cấp tỉnh và cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, phấn đấu đến năm 2025 có 30/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3...

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, để thực hiện các mục tiêu của Chương trình giai đoạn sau 2020, các đơn vị cần xác định rõ, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình, căn cứ vào thực tiễn của cơ sở và mục tiêu Chương trình để xây dựng kế hoạch chi tiết; tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành ở địa phương ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đặc biệt chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch đề ra với kết quả và chất lượng cao.

“Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại trong giai đoạn 2010 – 2020; tham mưu để hoàn thiện hệ thống văn bản về cơ chế chính sách, các quy định, hướng dẫn; tuyệt đối tránh hình thức, bệnh thành tích và tình trạng nợ chuẩn khi xem xét đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương”, ông An nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".