Cả nước chỉ có hơn 800.000 thẻ tín dụng nội địa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 39 triệu thẻ đang hoạt động thì thẻ tín dụng nội địa chỉ đạt hơn 800.000, chiếm 8,7% tổng số lượng thẻ của cả nước.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đến hết tháng 7, cả nước có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa.

Cả nước chỉ có hơn 800.000 thẻ tín dụng nội địa ảnh 1

Thẻ tín dụng nội địa vẫn còn dư địa phát triển.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá về các lợi ích của thẻ tín dụng nội địa đối với người dùng, ông Tuấn cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường thì chi phí phát hành và thanh toán thẻ tín dụng nội địa khá phù hợp.

Đây là một trong những điểm cộng của thẻ tín dụng nội địa có thể khuyến khích khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

"Song, trong tổng số 39 triệu thẻ đang hoạt động thì thẻ tín dụng nội địa còn khá khiêm tốn khi chiếm 8,7% trong tổng lượng thẻ của cả nước. Như vậy, chúng ta còn dư địa rất lớn để đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", vụ trưởng Vụ Thanh toán nhận định.

Để đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng loại thẻ tín dụng này.

Theo Vụ trưởng Vụ thanh toán, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…

Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng khẳng định, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

MỚI - NÓNG