Chặng đường đầy thử thách của chàng trai trẻ
Phạm Thanh B, một kĩ sư phần mềm 24 tuổi đến từ Hà Giang, đã có một hành trình đầy khó khăn và gian khổ trước khi có được thành công ngày hôm nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ anh đã phải rời quê Nam Định lên Hà Giang lập nghiệp để lo cho anh có thể học hành đến nơi đến chốn. Dù cuộc sống thiếu thốn, nhưng Phạm Thanh B luôn giữ vững ước mơ thay đổi số phận của gia đình bằng tri thức.
Cuộc sống sinh viên của anh dù khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, trở thành kĩ sư phần mềm tại một công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, những ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ sớm bị phá vỡ khi Phạm Thanh B bắt đầu gặp phải những triệu chứng khó thở, ho kéo dài và cảm giác ngực đau đớn. Cứ tưởng là một căn bệnh thông thường, nhưng sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh lao phổi.
![]() |
Ban đầu, anh nghĩ bệnh sẽ tự khỏi, nhưng sau một thời gian dài điều trị, tình trạng không cải thiện. Những cơn khó thở ngày càng gia tăng, khiến anh không thể làm được những công việc đơn giản như leo cầu thang. Một lần nữa, anh được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, nơi các bác sĩ kết luận anh bị hẹp phế quản gốc bên trái và tổn thương phổi trái đã xẹp hoàn toàn, kéo dài quá lâu, khiến việc cứu chữa trở nên vô cùng khó khăn. “Mười tháng vật lộn với di chứng lao phổi, mỗi nhịp thở như có lửa đốt trong lồng ngực", anh B. kể lại.
Cuộc phẫu thuật đầy thử thách và quyết định táo bạo
Anh B được chuyển đến Khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai. Qua các thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, kết quả quả cho thấy, anh B đối diện với nguy cơ mất phổi vĩnh viễn: Chụp CT 3D phổi cho thấy phế quản gốc trái chỉ còn khe hẹp 2mm, phổi xẹp đặc như tấm bìa cứng. Nếu không phẫu thuật trong 2 tuần, phổi sẽ hoại tử. TS.BS. Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực và mạch máu cho biết: Đây là một ca xẹp phổi vô cùng phức tạp với những thách thức lớn. Đoạn phế quản hẹp nằm sâu sau tim, bị che khuất bởi động mạch chủ và động mạch phổi - vùng được mệnh danh là "tam giác tử thần" của lồng ngực. Dù chỉ một nhát cắt lệch 1mm, bệnh nhân có thể tử vong do chảy máu ồ ạt.
![]() |
Bác sĩ Khánh khám lại cho bệnh nhân |
Với một lá phổi trái đã xẹp hoàn toàn, Phạm Thanh B sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn nếu không được phẫu thuật kịp thời. Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định thực hiện ca mổ. Việc mổ mở truyền thống, mặc dù có thể thành công, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm di chứng lâu dài và hồi phục chậm.
Sau khi xem xét tất cả các yếu tố, các bác sĩ đã đưa ra quyết định táo bạo: thực hiện phẫu thuật nội soi, một kĩ thuật ít xâm lấn, có thể giúp tiếp cận chính xác vị trí tổn thương mà không gây hại đến các mô xung quanh. Phẫu thuật nội soi đòi hỏi sự tỉ mỉ, kĩ thuật cao và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ.
Ngày 17/3, ca phẫu thuật được tiến hành dưới sự điều hành của bác sĩ Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu và bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức. Ca mổ này thực sự là một thử thách không nhỏ đối với toàn bộ ê-kíp y bác sĩ, đặc biệt là đội ngũ gây mê và phẫu thuật viên. Tình trạng viêm dính do lao phổi và tổn thương phế quản gốc trái sát gốc trên một đoạn dài đã tạo ra một phẫu trường sâu và đầy khó khăn. Các mô xung quanh, bao gồm các tổ chức bị viêm và xơ hóa, vướng víu vào vùng phẫu thuật, khiến công việc của phẫu thuật viên càng thêm phức tạp. Đây là một phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và khả năng xử lí tình huống nhanh chóng.
Bác sĩ gây mê trong ca mổ này phải đảm bảo việc thông khí cô lập hoàn toàn phổi bên trái, tránh để không khí xâm nhập vào phổi bị tổn thương trong suốt quá trình phẫu thuật. Điều này không chỉ giúp phẫu thuật viên dễ dàng tiếp cận khu vực cần can thiệp mà còn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ gây mê phải duy trì hoạt động phổi bên đối diện – phổi phải – thật ổn định và hiệu quả, để bệnh nhân không bị thiếu ô xy và gặp nguy hiểm trong suốt quá trình mổ.
Sau khi cắt bỏ đoạn phế quản hẹp, việc đấu nối phế quản được thực hiện một cách cẩn thận và chính xác.
Sau 4 giờ "cân não", các phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai đã tái tạo thành công đường thở bằng kĩ thuật nội soi tiên tiến, đánh bại "tam giác tử thần” - vùng nguy hiểm nhất của lồng ngực. Đây không chỉ là ca đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai mà còn mở ra cánh cửa hi vọng cho hàng nghìn bệnh nhân hẹp phế quản do lao - căn bệnh từng được xem là "bản án chung thân".
Khi khâu nối hoàn tất, một phép màu đã xảy ra: lá phổi trái dần dần nở lại, khôi phục chức năng.
Chỉ sau vài ngày, Phạm Thanh B đã có thể vận động nhẹ nhàng, không còn cảm giác khó thở hay tức ngực. Sau một tuần, sức khỏe của anh hồi phục nhanh chóng. Khi kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy toàn bộ phổi trái đã nở lại bình thường. Ca phẫu thuật đã thành công rực rỡ, giúp anh vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật và có lại cuộc sống khỏe mạnh.
Không chỉ thắng lợi trước bệnh tật, Phạm Thanh B còn trở thành minh chứng sống cho sự tiến bộ của y học hiện đại, nhờ vào kĩ thuật phẫu thuật nội soi và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ.