Mới đây, ngư dân James Owen và thủy thủ đoàn của mình đã tình cờ bắt được một con cá mập “khủng” dài tới 6,3 mét tại vịnh Victoria (nước Úc). Thay vì bán cho một cửa hàng ăn, những ngư dân này đã liên hệ với Bảo tàng Melbourne để nhận xác cá mập về nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu.
Con cá mập này được cho là một con Basking Shark (cá mập phơi) – loài sinh vật biển lớn thứ hai sau cá voi. Đây là loài cá mập có đầu dẹt hình mũi giác, da hồng hoặc tím. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy con cá tương tự ở vùng biển Australia là cách đây 85 năm.
Vi của con cá mập này dài khoảng 1 mét và chiều rộng khoảng 60 cm.
Tuy có hàm răng sắc nhọn tua tủa nhưng thức ăn của loài cá này chủ yếu chỉ là các sinh vật phù du.
Việc bắt được con cá mập kì quái này một cách nguyên vẹn sẽ giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu sâu hơn về gen di truyền cũng như những đặc tính sống của chúng. Bảo tàng Victoria cho biết, họ hiện đang lưu giữ vòm mang của con cá mập cùng loài được bắt vào những năm 1930 và da, răng của một con được bắt vào năm 1883.
Cách đây ba tháng, các ngư dân cũng đã bắt được một con cá mập hiếm gặp có tên gọi “cá mập yêu tinh”, thường sống lẩn khuất ở đáy đại dương.
Đây là loài cá mập cuối cùng còn sống sót trong họ Mitsukurinidae, tồn tại cách đây khoảng 125 triệu năm nên thường được coi là một loài hóa thạch sống.