Ca khúc 'Về đây nghe em' ra đời như thế nào?

TPO - Trong cuốn sách nghiên cứu 9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam do NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2019, Lê Thiên Minh Khoa đã ghi lại cuộc trò chuyện với Trần Quang Lộc về sự ra đời của Về đây nghe em.
Ca khúc 'Về đây nghe em' ra đời như thế nào? ảnh 1

Cuốn sách "9 thập kỷ âm nhạc Việt Nam" 

Nhà nghiên cứu âm nhạc - nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa là người cùng quê với nhạc sỹ Trần Quang Lộc và sau này, cả 2 đã trở thành hàng xóm thân thiết với nhau khi Trần Quang Lộc về sống ở TP Bà Rịa. 

Lê Thiên Minh Khoa cho biết, năm 1969, ai đã từng có những đêm trắng với “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại đại học Văn khoa - Sài Gòn đều nhớ tới giọng ca trầm ấm của một chàng trai Quảng Trị có tên Trần Quang Lộc. Trần Quang Lộc ôm đàn thùng, cất tiếng “Về đây nghe em- Về đây mặc áo the đi guốc mộc...”. Ca khúc đó sau này đã được rất nhiều ca sỹ nổi tiếng hát.

Cùng với Hát cho dân tôi nghe (Tôn Thất Lập), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Không ai ngăn nổi lời ca (La Hữu Vang) ... hay các ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, Về đây nghe em đã góp một phần giúp cho phong trào đấu tranh đòi hoà bình của Tổng hội sinh viên Sài Gòn trở lên mạnh mẽ, hoà mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.  

Ca khúc 'Về đây nghe em' ra đời như thế nào? ảnh 2 Nhạc sỹ Trần Quang Lộc 
Năm 1992 tại Bà Rịa, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này cho Lê Thiên Minh Khoa nghe. “Trần Quang Lộc nói “Tôi viết Về đây nghe em trong bối cảnh Sài Gòn 1968. Khi gặp bài thơ của nhà thơ A Khuê, người bạn từ hồi còn sống với nhau ở Đà Nẵng khoe bài thơ Về đây nghe em, tôi đã phổ thành ca khúc cùng tên, mong muốn góp tiếng nói bằng âm nhạc, thức tỉnh mọi người chớ quên cội nguồn dân tộc, hãy trở về với câu ca dao, với lũy tre làng…”- ông Thiềm nhớ lại trong cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quang Lộc. 

Tuy nhiên, cũng như Có phải em mùa thu Hà Nội, sau một thời gian Về đây nghe em đã bị lãng quên. Và mọi người chỉ biết tới ca khúc này vào những năm 90 qua giọng ca Thu Phương. Chính vì thế nhiều người, nhất là giới trẻ thường nghĩ rằng Về đây nghe em được sáng tác vào những năm 90.

Âm nhạc của Trần Quang Lộc vẫn trung thành với tiếng gọi thiết tha trìu mến “Về đây nghe em, về đây đứng khóc trên sông nước này…” của A Khuê, tiếng gọi đó đã lan tỏa vào tận góc sâu nhất trong tâm hồn của con người khi ngoài kia có bao nhiêu là tang thương dâu bể. Tiếng gọi như thôi thúc ai đó hãy quay về... Và vì thế, Về đây nghe em đã vượt biên giới, đến với cộng đồng người Việt khắp 5 châu cùng thổn thức “Về đây nghe em - Về đây mặc áo the, đi guốc mộc- Kể chuyện tình bằng lời ca dao- Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai - Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới - Và về đây nghe gọi tiếng xưa để nhớ trong tiếng vỡ bờ...”.

Ca khúc 'Về đây nghe em' ra đời như thế nào? ảnh 3 Trần Quang Lộc  
Trong rất nhiều chương trình nhạc, BTC thường chọn Về đây nghe em như gắn gửi niềm tin, sự mong muốn cho mỗi người dân Việt. Hình ảnh những “...Chiếc áo the, đôi guốc mộc, nồi khoai, hạt lúa mới”… Cái hồn cốt của Về đây nghe em luôn như gọi mời người con xa xứ về với quê hương, về với một tuổi thơ êm đềm cùng câu hát ru.... 
Nghe Về đây nghe em qua giọng ca của ca sỹ Tuấn Ngọc
MỚI - NÓNG