Nhà thơ Tô Như Châu (Tên thật là Đặng Hữu Có - sinh năm 1934 tại Đà Nẵng). Theo ông kể khi còn sống thì vào khoảng đầu những năm 70, Tô Như Châu sinh sống tại một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải - Sơn Trà- Đà Nẵng.
Ở khu đó có một xóm người Bắc di cư sinh sống và trong nhiều lần gặp gỡ, Tô Như Châu đã đem lòng yêu mến các cô gái Bắc này. Hình ảnh một cô gái ngồi xoã tóc thề bên cây đàn dương Cầm đã khiến chàng thi sỹ trẻ cảm động, viết lên những vần thơ tuyệt tác của Có phải em mùa thu Hà Nội với những: “Chiều vào thu nghe lời ru gió - Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên - Mắt nai đen mùa thu Hà Nội - Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương - May mà có em cho đường phố vui - May còn chút em trang sức sông Hồng - Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm- Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng”.
Năm 1971, trong một lần giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang”, nhà thơ Tô Như Châu đã khoe bài thơ với nhạc sỹ Trần Quang Lộc. “Tao có bài thơ này viết về Hà Nội hay lắm, mày thích tao cho”. Cầm bài thơ đánh máy dài gần 5 trang giấy, nhạc sỹ đọc lướt qua và những câu thơ lãng mạn thấm đẫm chất Hà Nội khiến nhạc sỹ sửng sốt. Và ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội được ra đời, nhạc sỹ đã chắt lọc nhưng câu thơ tinh tuý nhất của bài thơ để cho ra ca khúc để đời.
Nếu Có phải em mùa thu Hà Nội phải mất hơn 20 năm mới có thể đến với người nghe thì số phận của những nghệ sỹ làm lên tác phẩm còn long đong hơn nhiều.
Sau năm 1975, nhà thơ Tô Như Châu trở thành nhân viên điện lực, rồi làm phát hành cho một tờ báo tại Đà Nẵng. Năm 2002, nhà thơ qua đời sau một cơn bạo bệnh và ước mơ được ra thăm Hà Nội mãi dang dở. Trong suốt cuộc đời làm thơ, ông chỉ in 01 tập thơ riêng cho bản thân mang tên Có phải em mùa thu Hà Nội (NXB Đà Nẵng 1998).