Thái tử kế vị Ả-rập Xê-út Mohammed Bin Salman đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm tháng 12/2022. (Ảnh: Reuters) |
Hai cường quốc Trung Đông đã bàn bạc về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao trong gần 2 năm qua. Có thời điểm, nhóm đàm phán của hai bên dường như rơi vào bế tắc, khi những ngờ vực sâu sắc có vẻ không thể vượt qua.
Tiến trình đàm phán của Iran với Ả-rập Xê-út diễn ra song song với các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2016. Kết quả của cả hai tiến trình dường như có mối liên hệ với nhau – Riyadh và Washington đã có bước đi giống nhau trong chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, một sự dịch chuyển trong các quan hệ liên minh ở khu vực đang diễn ra. Quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Mỹ trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, trong khi vị thế của Trung Quốc ngày càng vững. Khác với Washington, Bắc Kinh thể hiện khả năng vượt qua nhiều quan hệ cạnh tranh đối đầu phức tạp khắp Trung Đông. Trung Quốc xây dựng quan hệ ngoại giao tốt với các quốc gia khắp khu vực, chủ yếu dựa trên kinh tế và không nói đến nhân quyền.
Nhìn lại có thể thấy, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho bước đột phá ngoại giao ở Trung Đông từ nhiều năm trước, đồng thời chứng minh ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đang suy giảm.
“Dù nhiều người ở Washington coi vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực là một mối đe dọa, nhưng một Trung Đông ổn định hơn, khi người Iran và Ả-rập Xê-út không còn đối đầu nhau cũng có lợi cho Mỹ”, Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành Viện Quincy tại Washington, viết trên Twitter ngày 10/3.
Parsi cho rằng diễn biến này có thể dẫn đến việc Washington phải xem lại chính sách của mình với Trung Đông. “Điều mà các nhà hoạch định Mỹ nên lo ngại là sự hình thành chuẩn mực mới: Mỹ bị lôi kéo quá sâu vào những cuộc xung đột với các đối tác khu vực, đến mức vai trò kiến tạo hoà bình phải nhường hoàn toàn cho Trung Quốc”, Parsi nhận định.
Đặt cược uy tín
Thoả thuận ngày 10/3 báo trước sự chấm dứt của một kỷ nguyên đẫm máu ở Trung Đông. Riyadh và Tehran mâu thuẫn về ý thức hệ và quân sự kể từ khi Cách mạng Hồi giáo Iran dẫn đến sự ra đời của một nhà nước đối đầu với phương Tây.
Những căng thẳng đó bắt đầu leo thang thành chiến tranh đại diện, sau khi cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003 biến thành nội chiến, và cả Iran lẫn Ả-rập Xê-út đều muốn mở rộng ảnh hưởng ở quốc gia Ả-rập nhiều dầu mỏ.
Xung đột vũ trang giữa những lực lượng được Ả-rập Xê-út hậu thuẫn với các nhóm do Iran chống lưng lan khắp khu vực trong một thập kỷ rưỡi sau đó.
Tại Yemen, chiến dịch quân sự của liên quân do Ả-rập Xê-út dẫn đầu nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân được Iran ủng hộ đã gây ra một trong những khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Tại Syria, Iran ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad để đối phó với các nhóm nổi dậy được Ả-rập Xê-út và những nước Vùng Vịnh khác hậu thuẫn. Tại Li-băng, Iran và Ả-rập Xê-út ủng hộ các nhóm khác nhau, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị suốt 2 thập kỷ, gây tổn thất lớn về kinh tế và an ninh ở quốc gia nhỏ bé thuộc phía đông Địa Trung Hải.
Quan hệ ngoại giao giữa hai đối thủ chính thức chấm dứt năm 2016, khi Ả-rập Xê-út hành quyết giáo sĩ Shia Nimr al-Nimr, khiến đám đông giận dữ ở Tehran kéo đến đốt đại sứ quán Ả-rập Xê-út.
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề kinh tế sau đại dịch và những cuộc chiến tốn kém có thể đã làm giảm ham muốn chiến tranh. Giới chức Ả-rập Xê-út và Iran khẳng định, họ muốn muốn khép lại một chương đen tối để bước sang trang mới.
Sự hoà hoãn đó có vẻ không chỉ dừng lại ở khôi phục quan hệ ngoại giao. Các quan chức Ả-rập Xê-út và Iran cho biết sẽ bàn bạc để khôi phục hiệp ước an ninh từ mấy thập kỷ trước và làm sống lại một thoả thuận hợp tác về công nghệ và thương mại.
Đó là thông tin tốt đẹp ở một khu vực vẫn đang quay cuồng trong những mối quan hệ cạnh tranh gay gắt. Nhưng vẫn phải chờ xem hợp tác có thể hoá giải những tàn phá do cạnh tranh đối đầu hay không.
Theo các nhà phân tích, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực bảo đảm ván cược của cả hai quốc gia, thay đổi những tính toán chính trị đã lỗi thời luôn bảo đảm các thủ đô phương Tây trở thành nơi ký kết những thoả thuận quan trọng với khu vực.
“Trung Quốc là cha đỡ đầu của thoả thuận này, và khi Bắc Kinh đang đóng vai trò quan trọng chiến lược với Iran, điều này có sức nặng rất lớn”, Ali Shihabi, một nhà phân tích Ả-rập Xê-út, nói với CNN.
“Nếu Iran phá bỏ thoả thuận, việc đó sẽ gây tổn thương cho quan hệ của họ với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã đặt toàn bộ uy tín của mình vào thoả thuận ba bên”, Shihabi nhận định.