5 năm, sử dụng 277 tỷ đồng ngân sách
Từ năm 2018 đến 2019, Sở Y tế Hải Dương thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế công lập, với tổng trị giá hơn 277 tỷ đồng. Đó là các gói thầu mua: thiết bị cấp cứu sản khoa, thiết bị nội soi, máy chụp Xquang, máy xét nghiệm và thiết bị y tế khác.
Thời điểm kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 5 trung tâm y tế huyện: Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Hải Dương phát hiện nhiều trang thiết bị ít được sử dụng hoặc không đưa vào sử dụng, với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng. Cụ thể, các thiết bị như: Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng và sản full HD; Máy gây mê kèm thở; Máy rửa ống nội soi mềm tự động… ít được sử dụng phục vụ khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, 26 thiết bị có tổng trị giá trên 37,4 tỷ đồng dù đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng tại trung tâm y tế các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà và Kinh Môn. Điển hình như: Máy hô hấp nhiệt độ công nghệ Plasma 50L; Máy xét nghiệm huyết học 28 thông số; Máy phân tích sinh hóa tự động 200 test/h; Máy xét nghiệm đông máu tự động 52 test/h; Máy xét nghiệm miễn dịch tự động 50 test/h; Máy đo điện giải 3 thông số, máy chụp CT 16 dãy...
Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế Hải Dương chưa xây dựng được kế hoạch trung và dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu hằng năm. Tại Trung tâm y tế huyện Nam Sách, Thanh Hà không có kỹ thuật viên vận hành hệ thống mổ nội soi, nội soi đại tràng. Tình trạng này dẫn đến việc sử dụng vốn đầu tư không đạt hiệu quả.
Chờ thanh lý
Tại Đắk Nông, trong số 147 trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp có một số máy móc tạm ngưng sử dụng, không sử dụng hoặc bị hư hỏng, chờ thanh lý.
Đáng chú ý, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trong số này có 3 thiết bị y tế trị giá hơn 404 triệu đồng, chỉ sử dụng thời gian ngắn rồi...”đắp chiếu” do dùng hóa chất không phổ biến. Cụ thể, máy điện giải đồ (3 thông số Na+K+Cl điện cực chọn lọc lớn EX-D) trị giá hơn 349 triệu đồng; máy xét nghiệm nước tiểu Clinitek Status gần 45 triệu đồng và máy xét nghiệm (sinh hóa HbA1c) gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, ở huyện này còn có các thiết bị khác hư hỏng không thể sửa chữa, chờ thanh lý, như: Máy giúp thở (trị giá hơn 416 triệu đồng); ghế răng (gần 90 triệu đồng); máy đo điện tim Cardico 506 (hơn 10 triệu đồng); máy X-quang Shimazu (gần 500 triệu đồng); máy X-quang tăng sáng (hơn 1,1 tỷ đồng)…
Cũng nằm trong diện hư hỏng, chờ thanh lý tại Trung tâm y tế huyện Đắk Song có 8 thiết bị. Có thể kể đến một số máy điển hình giá trị lớn, như: Máy thở cho người lớn và trẻ em NEWPORT (hơn 425 triệu đồng); máy phá rung tim (TEC-522K/NIHON KOH) hơn 111 triệu đồng; máy Monitor theo dõi bệnh nhân (BSM-410ik/NIHON) đang “đắp chiếu”. Hay như, các thiết bị bộ phẫu thuật phụ khoa ngoại sản (300 triệu đồng); lồng ấp dưỡng nhi (165 triệu đồng); máy đo SPO2 (hơn 37 triệu đồng) chỉ sử dụng 1 lần/năm... Còn máy hút dịch chạy điện tại Trung tâm y tế huyện Đắk Glong (hơn 21,5 triệu đồng) chưa sử dụng đã hỏng và không sửa chữa được.
Tại huyện Tuy Đức có 10 thiết bị y tế (trong đó có 4 thiết bị y tế thuộc dự án tài trợ không xác định được giá), đã được Sở Y tế cấp, nhưng chưa đi vào sử dụng, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Máy siêu âm màu 3D tại huyện Đắk Mil (hơn 513 triệu đồng) bị hỏng, dẫn đến thiết bị phụ mua thêm đầu dò Kinear đa tần (giá hơn 68 triệu đồng) không sử dụng...
Ðắp chiếu 5 năm
Đặc biệt, tại Bắc Giang, có thiết bị y tế được mua về cách đây 5 năm nhưng không sử dụng. Đây là trường hợp máy đo lưu huyết não (Model DMV 4500; seri SN 13060026) được Ban quản lý dự án Xây dựng (Sở Y tế tỉnh Bắc Giang) mua. Máy được bàn giao cho Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang vào tháng 7/2014. Tuy nhiên, đến thời điểm Thanh tra tỉnh Bắc Giang kiểm tra (cuối năm 2019 đến tháng 1/2020), máy vẫn chưa được đưa vào sử dụng, không bảo quản theo quy định, không lưu giữ tài liệu hướng dẫn sử dụng, không có nhãn mác phụ bằng Tiếng Việt. Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho hay, theo ý kiến của cán bộ y tế quản lý máy cho biết, khi nhận được thiết bị thì bệnh viện không có người có chuyên môn biết sử dụng, do vậy đến thời điểm hiện tại máy vẫn chưa sử dụng được.
Năm 2018, tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang không có phê duyệt dự toán mua sắm được duyệt (giá, số lượng, cấu hình - thông số kỹ thuật); không có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết định phê duyệt bản yêu cầu báo giá gói thầu; không có bản yêu cầu báo giá chào hàng cạnh tranh rút gọn được duyệt của bên mời thầu làm cơ sở yêu cầu các nhà thầu nộp báo giá và đánh giá các báo giá. Đồng thời, tại một số gói thầu chào hàng cạnh tranh rút gọn khác của bệnh viện này, chủ đầu tư phê duyệt, thanh toán giá trị cho 4 gói thầu y hệt nhau.
Đối với gói thầu mua máy laser điều trị với 7 chế độ phát xạ, máy tập thụ động khớp gối, Monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, với giá trúng thầu hơn 1,1 tỷ đồng, Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận, hồ sơ mời thầu quy định về nhà thầu phải thực hiện hợp đồng tương tự làm hạn chế nhà thầu tham gia đấu thầu. Tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá hồ sơ dự thầu của gói này không theo yêu cầu hồ sơ mời thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu…
Sau nhiều lần liên hệ, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang phân công ông Dương Quốc Dũng, Chánh Thanh tra Sở trao đổi với phóng viên Tiền Phong. Ông Dũng cho biết, máy đo lưu huyết não được mua nhưng không có người sử dụng đã được Sở này điều chuyển về Trung tâm Y tế huyện Tân Yên. Còn việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm ở Bệnh viện Phục hồi chức năng thì cơ quan này không còn giữ hồ sơ. Phóng viên cũng liên hệ làm việc với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang, nhưng chưa nhận được phản hồi.