Kỳ họp thứ 3 - HĐND TPHCM khóa IX:

Bức xúc công trình cao tầng và thanh tra xây dựng

Bức xúc công trình cao tầng và thanh tra xây dựng
TPO - Sáng nay 8/12, họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX dành cả ngày làm việc thứ ba cho các nội dung chất vấn của đại biểu tại hội trường đối với Giám đốc Sở Xây dựng.

Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, việc cấp phép xây dựng cho các dự án trung tâm thương mại, công trình cao tầng dồn về khu vực trung tâm đã góp phần làm cho tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng ở nội đô. Bà Châu lấy thí dụ tại dự án Saigon Center ở ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (quận 1) khiến địa điểm này thường xuyên kẹt xe.

Cùng ý tưởng đó, các đại biểu Trương Lâm Danh, Diệp Hồng Di cũng đặt vấn đề, khi thẩm định các thiết kế cơ sở để cấp phép xây dựng trung tâm thương mại, nhà cao tầng thì Sở Xây dựng có phối hợp với Sở GTVT để cân nhắc các vấn đề liên quan đến giao thông hay không?

Trả lời ý kiến các đại biểu, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, các dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại đều đã được cơ quan chức năng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và phải phù hợp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

“Vấn đề cần thẩm định đối với công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại là mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, số tầng cao, kết nối giao thông v.v… Đây là các chỉ tiêu đã được lập ra để xem xét. Đặc biệt, dự án luôn phải xét đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tại khu vực gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, trường học, PCCC”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, sở dĩ có những công trình chưa “đồng bộ” như các đại biểu phản ánh, là do quy trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lẽ ra phải được đầu tư trước rồi sau đó mới có quy hoạch xây dựng công trình nhà ở, trung tâm thương mại, nhưng thực tế lại ngược lại. Hiện việc xây dựng công trình hạ tầng lớn xen kẽ khu dân cư hiện hữu của thành phố cũng còn nhiều bất cập.

Ông Tuấn cho biết hướng khắc phục sắp tới là phải đảm bảo kết nối khoa học, đồng bộ giữa công trình nhà ở, nhà cao tầng với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

“Đảm bảo kết nối giao thông khu vực thì chương trình phát triển nhà ở gắn liền phát triển hạ tầng xã hội. Về lâu dài, thành phố sẽ phải có chương trình nhà ở 5 năm để xác định lộ trình và địa điểm phát triển nhà ở cũng như kế hoạch nhà ở hàng năm. Giữa năm 2017, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho thành phố có tờ trình HĐND TPHCM về chương trình này”, ông Tuấn nói.

Trước khi cấp phép, Sở Xây dựng cấp đã có phối hợp ý kiến từ Sở GTVT để bảo đảm hài hòa phát triển và đồng bộ hạ tầng giao thông. Sắp tới sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để khảo sát tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu vực trung tâm thành phố, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng, cũng như sân bay Tân Sơn Nhất.

Công khai quy trình làm việc của Thanh tra xây dựng

Đại biểu Trần Thanh Trí nêu thắc mắc của cử tri về lực lượng TTXD hiện nay thực hiện kiểm tra GPXD theo quy trình như thế nào? “Họ cần phải xuất trình giấy tờ gì khi đến kiểm tra công trình nhà ở của dân? 

Có cử tri nêu xây có một cái nhà cấp 4 thôi mà có đến 3-4 ông TTXD đến kiểm tra, không biết ai là lực lượng trực tiếp ở địa phương, ai là lực lượng liên thông? Người dân muốn biết một công trình nhà ở thì TTXD được phép có bao nhiêu lần kiểm tra?”, ông Trí nói.

Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho rằng Sở Xây dựng có ban hành quy trình kiểm tra các công trình nhà ở riêng lẻ đối với lực lượng TTXD. “Chúng tôi sẽ công khai quy trình nghiệp vụ công tác để người dân cùng kiểm tra giám sát lực lượng TTXD”, ông Tuấn nói.

Ông cho biết thêm, sau khi kiện toàn lực lượng về sở quản lý từ năm 2013, hiện thành phố có 1.044 TTXD, với 50% là đảng viên. Có 78 cán bộ làm việc tại sở, còn lại chia làm 24 đội kiểm tra xử lý các vấn đề liên quan đến xây dựng tại 24 quận huyện. 

“Họ thường xuyên làm việc tại công trường, môi trường phải tiếp xúc với chủ đầu tư, nên cũng khó có sự giám sát từ dân, ban ngành. Điều kiện làm việc này dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, hễ có dấu hiệu vi phạm là bị đình chỉ công tác ngay để xử lý”, ông Tuấn khẳng định.

Đến nay đã có 283 cán bộ, nhân viên, thanh tra viên thuộc TTXD bị kiểm điểm, kỷ luật. Trong đó, có 2 trường hợp buộc thôi việc... Từ 2013, số xử lý TTXD vi phạm đều tăng mỗi năm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Xây dựng đã mang lại sự hài lòng cho đại biểu. Một số vấn đề giám đốc sở chưa nắm được sẽ trả lời bằng văn bản. Đề nghị giám đốc sở cho kiểm tra ngay sau và có trả lời thoả đáng cho các đại biểu sau 15 ngày kể từ khi bế mạc kỳ họp.

Sau Giám đốc Sở Xây dựng, trong ngày hôm nay, Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND TPHCM tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu tại hội trường.

MỚI - NÓNG