Bức tranh ngân hàng 2023 ngổn ngang còn nhiều cái khó do tài sản suy giảm, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng yếu. |
Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý 4/2023 nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 theo nhóm phân tích vẫn là đáng kể. Nguyên nhân đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan, do đó khi hiệu lực của Thông tư 02 hết hạn vào 30/06/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn) áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý sẽ có sự phân hóa rõ nét về chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Năm 2023 tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp đi cùng NIM suy giảm. Dự báo mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 10.5% trong năm 2023.
Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 30/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 9.15% so với đầu năm (cùng kỳ đạt 12.0%). So với số liệu gần nhất ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 8.21% so với đầu năm, chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 14-15% trong năm 2023 của Chính phủ.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm được chúng tôi dự báo từ trước, với những nguyên nhân chính: như Ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, GDP Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 4.24%, thị trường bất động sản (BĐS), vốn là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, vẫn trầm lắng khi cũng tính đến hết thời điểm tháng 9 này, số lượng giao dịch và số lượng dự án hoàn thành xây dựng lần lượt giảm 31% và 33%.
Theo MBS, tính chung, lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng đã giảm 2.5%. Tổng lợi nhuận sau thuế của các NHTM niêm yết giảm nhẹ 1.4% trong quý 3/2023, trong đó nhóm các Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) ghi nhận kết quả khả quan hơn với mức tăng trưởng 14.2%, trong khi lợi nhuận nhóm các NHTM Cổ phần (NHTMCP) suy giảm 9.9%. Nguyên nhân do tín dụng toàn ngành suy yếu; NIM toàn ngành giảm; chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng tăng lần lượt 7.7% và 5.4%.
Theo nhóm phân tích, ACB, TCB và STB là những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận khả quan . Các nhà băng này có 2 yếu tố đó là tăng trưởng lợi nhuận khả quan, nhờ có tín dụng tăng trưởng tốt, NIM phục hồi và tiết kiệm chi phí và định giá hấp dẫn. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng được MBS theo dõi dự báo sẽ tăng trưởng 25.1% trong 2024. Tuy nhiên đi kèm vẫn là rủi ro suy giảm chất lượng tài sản.
Tính đến tháng 12/2023 Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 12.0% trong khi lãi suất huy động tiền tệ tăng cao khiến thu nhập lãi thuần (NII) của các ngân hàng giảm tốc. Mặc dù hoạt động tín dụng còn tương đối chậm nhưng việc duy trì các hoạt động chuyển đổi số nhằm giữ chân khách hàng cũng như đẩy mạnh các hoạt động thu ngoài lãi như kinh doanh ngoại hối, thu hồi nợ và đầu tư chứng khoán khiến chi phí hoạt động tăng nhẹ.
Hiện, nhận định của MBS cho rằng có thể kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 2024 sẽ đạt 13-14% với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 5.9%. Các hoạt động cho vay bán lẻ như cho vay tiêu dùng, mua nhà và mua xe sẽ được kích cầu mạnh mẽ trong môi trường lãi suất thấp. Chúng tôi cho rằng các DN BĐS sẽ tiến hành giảm giá các sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người mua thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền khi mà các chính sách đang nới lỏng hơn trước. Điều này giúp kích thích tín dụng cho ngành BĐS. Tương tự, hoạt động cho vay tiêu dùng và mua ô tô cũng sẽ có chính sách tương tự nhằm tận dụng quãng thời gian lãi suất thấp được duy trì.