Lễ hội đồng quê
Nắng chiều chưa tắt, 360 du khách Úc cùng đi thành hàng trên con đường đất giữa cánh đồng Cẩm Thanh xanh ngắt. Có người vận áo dài Việt màu xanh hài hòa với lúa đương đòng thoảng hương lẫn mùi rơm rạ. Những nông dân khom lưng nhổ cỏ, cô gái cất giọng hò khoan, mục đồng vắt vẻo lưng trâu thổi sáo xen với tiếng vịt kêu, ếch ộp. Xa xa, cánh diều bay cao cùng khói lam chiều thanh bình.
Qua cây cầu tre, quang cảnh phiên chợ quê đầu thế kỷ 20 dần hiện ra chộn rộn trên cỏ rơm. Con heo, con gà, trái bí nhà nông mang ra chợ trao đổi. Cái áo rách xách ra mạng. Dán lại cái áo mưa hay xay chục lon gạo bằng cối đá về đúc bánh xèo... Những nghệ nhân chuốt gốm, điêu khắc gỗ, nghệ sĩ già kéo đờn cò thao thiết bên cây rơm giữ thức ăn cho trâu mùa đông. Bên sông, trên bến dưới thuyền rộn ràng với cầu khỉ lắc lư, thuyền chở hàng vào ra, vạn chài quăng lưới đánh cá, mì ghe cá lóc thơm lừng,...
“Tuyệt quá, tôi sống cùng dân làng trong nhịp sống thanh bình. Chợ đông đúc càng tô thêm cho cảnh sắc yên ả, đáng yêu đến lạ. Tôi đã quyết định dừng sang Campuchia để tham gia phiên chợ này” - cô gái người Úc vận áo dài xanh chia sẻ.
Bữa tiệc nghìn đô.
Trời vào tối, những ngọn đuốc thắp sáng bắt đầu cho không gian lễ hội của phiên chợ mùa xuân. Du khách được chúc phúc lành trong lễ cầu an ấm áp hương trầm. Nơi lều tranh, chõng tre lợp lá dừa ngập đầy trầu cau, rượu bánh, hàng nông sản, đồ thủ công; có cả quầy bán hàng mã, hương đèn theo lệ cũ. Vẻ sung túc của làng quê ngày Tết càng khiến du khách tò mò với các trò chơi dân gian như bầu cua tôm cá, xổ xăm hường,... rồi sà vào chiếu lát của vị thầy bói ngồi bên góc chợ.
Bà bán trầu hay cô hàng nước hãnh diện vận áo bà ba, chân đi guốc mộc. Chị Hai đội nón gánh bắp bung cười trong lãng đãng khói. Tất cả diễn ra như nhịp sống thân quen cùng bữa ăn đậm chất hương đồng gió nội với nhiều sản vật của xứ quê chân chất, hồn hậu ấm nồng
tình thâm.
Một CEO - Giám đốc điều hành ngành truyền thông của Úc, bày tỏ: “Đây là lần đầu tôi thưởng thức bữa tiệc buffet hàng gánh độc đáo như thế này trong khung cảnh rộn ràng của làng quê Việt Nam. Sản phẩm tuyệt vời vì thực hiện rất chuyên nghiệp, âm nhạc và ánh sáng hài hòa với không gian văn hóa lễ hội làng. Nhiều điều lạ mà tôi đã khám phá thực sự hấp dẫn và lôi cuốn”.
“Chúng tôi được chúc phúc lành ngay từ đầu bữa tiệc, một khởi đầu khá thú vị để cùng sống trong không gian sống thực nơi đây” - một CEO khác nói.
Chợ quê trên ruộng.
Cảm ơn nông dân!
Tác giả của phiên chợ, ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc EMIC - Secrtary cho biết, đó là Gala dinner Cánh đồng 2016 - The Rice Field tổ chức vào tháng 4/2016 với đoàn khách gồm các giám đốc doanh nghiệp đến từ Úc và họ yêu cầu không công bố danh tính.
“Từ tháng 3/2013, khoảng 100 vị khách đầu tiên của một số công ty lữ hành trong và ngoài nước đã trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi. Doanh thu trung bình từ 2,4 tỷ đến 3 tỷ đồng/1 đoàn, bình quân giá mỗi khách là 1.100 USD. Doanh thu rất tốt nhưng quan trọng là tạo công ăn việc làm cho bà con nhà nông và xây dựng được thương hiệu quốc tế trên nền tảng năng lực sáng tạo của nhân viên”
Ông Phan Xuân Thanh
“Từ tháng 3/2013, khoảng 100 vị khách đầu tiên của một số công ty lữ hành trong và ngoài nước đã trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi. Doanh thu trung bình từ 2,4 tỷ đến 3 tỷ đồng/1 đoàn, bình quân giá mỗi khách là 1.100 USD. Doanh thu rất tốt nhưng quan trọng là tạo công ăn việc làm cho bà con nhà nông và xây dựng được thương hiệu quốc tế trên nền tảng năng lực sáng tạo của nhân viên” - ông Thanh nói.
Để thực hiện mỗi bữa tiệc văn hóa dân dã trên cánh đồng lúa xanh tốt này, EMIC - Secrtary phải chuẩn bị cả tháng. Đầu tiên là thuê ruộng với giá cao hơn từ 4-5 triệu đồng tổng thu hoạch, sau đó đóng cọc tre dựng cầu, dựng sạp trên lúa để sau khi tổ chức xong trả lại nguyên trạng. Tiếp đó mời nghệ nhân của các làng nghề như tranh tre dừa nước Cẩm Thanh, gốm Thanh Hà, đèn lồng phố Hội, mộc Kim Bồng,... trực tiếp chế tác sản phẩm.
Ông Thanh cho rằng, du khách hiện có xu hướng trải nghiệm thực sự và tìm kiếm phiên bản gốc của văn hóa bản địa nên những người nông dân trong vùng chính là nhân vật, chủ thể của phiên chợ. Họ có thể mang con gà của nhà đang nuôi ra bán. Sau đó, công ty mời các chuyên gia văn hóa tư vấn về phong tục tập quán, phục dựng, trưng bày hiện vật; một số đơn vị chuyên nghiệp biểu diễn các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, cảnh mua bán trên sông và bữa tiệc ẩm thực dân dã.
Du khách hào hứng tham gia bữa tiệc.
Phối hợp thực hiện chương trình, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm văn hóa - Thể thao Hội An, chia sẻ: “Góp phần làm nên sản phẩm văn hóa độc đáo này là niềm vui của đội ngũ diễn viên chúng tôi. Thêm sản phẩm để du khách chọn lọc, cảm nhận sự khác biệt của đời sống thực chứ không phải sô diễn là cách làm hay. Vừa phục hồi văn hóa sống của người nông dân, thu được dịch vụ cao từ cây lúa mà không chiếm đất đai thì còn chi bằng. Thêm nữa, tôi cho rằng làng quê mà sạch đẹp, văn minh, “nâng lên đúng tầm” quy chuẩn thì du khách sang trọng cỡ nào cũng thích”.
Còn ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nói: “Trong thời buổi hiện nay, biến một cánh đồng thành phố thị thì dễ, nhưng ai có thể biến phố thị trở lại thành cánh đồng được? Làm như vậy mới bền vững!”.
“Kết thúc mỗi bữa tiệc, tôi luôn yêu cầu trưởng đoàn khách phải phát biểu cảm ơn người nông dân, bởi người nông dân làm ra sản phẩm này chứ không phải tôi. Tôi chỉ là người kết nối các bạn với đời sống mà thôi!” – ông Thanh nói thêm.
Hiện nay, ông Phan Xuân Thanh đang phát triển ý tưởng phiên chợ Hội An thành nhiều kịch bản để tổ chức ở nhiều vùng miền khác nhau. EMIC - Secrtary đã có hợp đồng chuẩn bị một phiên chợ tại Huế với bản sắc văn hóa cố đô và dự tính sẽ mở rộng sang các vùng quê trong tỉnh Quảng Nam.