BOT âm nhạc?

TP - Câu chuyện nộp phí tác quyền âm nhạc qua việc đếm số ti vi trong khách sạn lại tiếp tục ồn ào. 

Trong khi bà Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng tuyên bố: Nếu thu không hợp lí, một đồng tác quyền cũng không đóng thì phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng nhanh chóng thách thức: “Những đơn vị nhất định không đóng tiền có thể không sử dụng nhạc. Họ có thể không đặt ti vi trong phòng hoặc nếu đặt thì tìm cách cắt hết các bản nhạc, bài hát, nhạc phim”. Nhạc sỹ Phó Đức Phương lí luận: “Tôi nghĩ việc cắt đi có khi còn tốn kém gấp trăm nghìn lần việc đóng 25.000 đồng mỗi ti vi một năm, tính ra là 2.000 đồng một tháng. Họ cũng cần chứng minh đã không sử dụng nhạc của chúng tôi”.

Có lẽ ông Phó Đức Phương không hiểu rằng: Vấn đề “đối tác” không chịu nộp tiền tác quyền không phải vì số tiền nhiều hay ít mà việc họ “chống đối” xuất phát từ vấn đề VCPMC chưa có động thái nào giúp cho người ta thấy việc thu tiền là hợp lí.

Dư luận bức xúc khi nhạc sỹ Phó Đức Phương yêu cầu chủ khách sạn chứng minh không sử dụng nhạc của phía VCPMC bảo hộ. Một đáp trả hài hước: “Bác Phương vui lòng trả cho tôi 100 ngàn đồng mỗi tháng vì đã xem kênh Youtobe với mấy cái clip gia đình của tôi, nếu không muốn trả bác phải chứng minh được bác không có xem”. Dư luận bức xúc là điều dễ hiểu, bởi muốn phạt, muốn thu tiền từ người khác thì phải chứng minh người ấy có lỗi,  sao lại bắt người có lỗi chứng minh điều ngược lại để “thoát phạt”? Nhiều người  bật cười với lập luận của nhạc sỹ “Trên đỉnh phù vân”. Họ đưa ra lời khuyên: “Chừng nào quản lí được hãy đi thu phí, còn không đừng mơ người ta sẽ đóng”. Cũng có những người thắc mắc: “Cái ti vi của chúng tôi các ông cứ tự ý phát chương trình ca nhạc lung tung không có sự đồng ý của chúng tôi, thì làm sao đây?”.  Nhạc sỹ Phó Đức Phương cho rằng: Mức phí như VCPMC đưa ra là “quá mềm” nếu đem so với các nước khác. Nhưng điều này càng khiến cho dư luận cảnh giác: “Bác thu được 2.000 đồng mỗi ti vi một tháng rồi sẽ lại đòi tăng lên chứ chẳng chịu ngồi yên”.

Giám đốc VCPMC hé mở: Hiện VCPMC bảo hộ cho 4000 tác giả Việt Nam và hơn bốn triệu tác giả quốc tế. Ông nói: “Chúng tôi không thể lúc nào cũng cầm theo từng đó hợp đồng để làm bằng chứng được”. Hiện nay họ đang cập nhật trên website các tác phẩm của các tác giả trong nước đã ủy quyền và các tổ chức bảo vệ quyền ở nước ngoài đã ký kết hợp đồng ủy thác cho họ. Nhạc sỹ thừa nhận: Đây là một việc cần thời gian mới có thể hoàn thiện. Câu hỏi đặt ra: Sao không chờ đến khi hoàn thiện việc chứng minh được ủy quyền mới tiến hành thu phí tác quyền? Làm ngay và luôn phải chăng là một sự thiếu tôn trọng quyền được kiểm tra của các “thượng đế”? 

Ông Phó Đức Phương trăn trở: Vấn đề bảo vệ tác quyền âm nhạc ở ta đã “chạy chậm” so với thế giới. Song không vì chạy chậm mà rút gọn sự giải thích hợp lí, chỉ chăm chăm hành động (thu phí). Điều này khiến cho dư luận gần đây “tặng” cho việc thu phí tác quyền âm nhạc một khái niệm mang tính thời sự: BOT âm nhạc!

MỚI - NÓNG