Bông Mai: 'Tôi sợ cảm giác nhớ cha khi ngồi bên mâm cơm'

Nhạc sĩ An Thuyên bên vợ - bà Ngô Huyền Lâm (phải) - cùng ca sĩ Bông Mai và các cháu.
Nhạc sĩ An Thuyên bên vợ - bà Ngô Huyền Lâm (phải) - cùng ca sĩ Bông Mai và các cháu.
Gần 100 ngày sau khi nhạc sĩ An Thuyên qua đời, con gái ông vẫn cảm thấy nhói đau mỗi khi nghe thấy tiếng giày giống tiếng bước chân của bố vang trên cầu thang khu tập thể. 

- Cuộc sống của chị thay đổi ra sao từ ngày bố chị - nhạc sĩ An Thuyên - qua đời?

- Từ ngày cha mất, mẹ cũng như người thân chưa bao giờ nhìn thấy tôi khóc. Tôi muốn cho mọi người thấy mình không yếu đuối và đang vượt qua nỗi đau. Nhưng thực sự, những hình ảnh dù nhỏ nhất về cha cũng khiến tôi cảm thấy rất đau mỗi khi nhớ về. Mỗi lúc ra đường, chỉ cần nhìn thấy người lớn tuổi đang đi bộ, tôi lại tự hỏi sao cha mình không được như thế. Rồi có lúc thấy ai đó làm điều gì không hay dù đã lớn tuổi, tôi cũng tự nhủ tại sao những người tốt như cha mình lại chẳng sống lâu được như vậy. Tôi còn không dám nhìn vào mắt cha trong di ảnh vì sợ nhớ đến cái nhìn đau đáu của ông khi trông các con tôi và con anh Hiếu (con trai cả của nhạc sĩ An Thuyên) chơi với nhau.

Hồi còn sống, cứ 18h, tôi ngồi trong nhà là nghe thấy tiếng giày của ông vang trên cầu thang khu tập thể rồi thấy tiếng bấm chuông cửa. Khi ấy, mẹ tôi sẽ gọi vọng xuống kêu ông lên ăn cơm. Bây giờ, tôi trốn tránh mọi khoảnh khắc khiến mình nhớ tới cha. Tôi chờ mọi người vào mâm cơm hết rồi mới dám ra ngồi. 

Tôi thay cha duy trì những thói quen hàng ngày, ví dụ pha trà trước khi xem thời sự. Ngày nào tôi cũng làm điều tương tự rồi thắp hương mời ông xem tivi cùng mình. Đến khi chương trình kết thúc, tôi mới đi làm việc khác. Cả thói quen mở nhạc giao hưởng vào mỗi ngày của ông cũng thế. Các con tôi mỗi khi đi học hay về nhà đều vào thắp hương chào hỏi ông, chúc ông ngủ ngon mỗi tối. Mọi thứ dường như chưa hề có sự xáo trộn nào.

- Khoảnh khắc cuối cùng chị ở bên ông diễn ra thế nào?

- Hôm cuối cùng đưa cha vào viện, bước xuống xe, cha tôi không lên phòng khám ngay mà cúi xuống xỏ giày. Ông lúc nào cũng giữ hình ảnh trong mắt mọi người với quần áo là lượt ngăn nắp, đi bộ hai tay đút túi hiên ngang. Ông không muốn mọi người nhận ra mình ốm yếu. Thậm chí, đến lúc bước vào phòng bệnh, theo lời kể của cháu tôi, ông cũng tự đi mà không bám víu vào bất kỳ ai. Vào đến giường, ông tháo giày đàng hoàng rồi mới nằm. Lúc tôi chạy vào, ông nấc lên rồi đi. Có lẽ cha chờ để ôm con gái rồi mới nhắm mắt xuôi tay.

- Điều gì khiến chị hối tiếc khi chưa làm được cho ông khi còn sống?

- Cha tôi có thói quen trước mỗi sự kiện lớn đều cùng người thân húp cháo trắng vào đêm hôm trước. Khi ra đi là lúc ông định giới thiệu ca khúc mới. Trước hôm công bố, lẽ ra tôi phải ở cạnh để cùng ông ăn cháo nhưng vì nghĩ hai nhà chỉ cách nhau vài bước nên sang lúc nào cũng được.

Đến giờ phút này tôi vẫn cố gắng để giữ bình tĩnh trước sự ra đi của cha. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, không nằm trong dự liệu. Tôi mất cha chỉ trong vòng bốn phút cuối cùng. Tôi cũng là người cuối cùng ở cạnh ông. Quả thực rất đau đớn. Nhưng tôi không thể nằm ở nhà khóc hay nhớ nhung mãi. Tôi cần phải hoàn thành nốt những dự án dang dở của cha. Có như vậy, tôi mới nguôi ngoai nỗi nhớ, phần nào cảm thấy như cha đang ở cạnh mình nhiều hơn.

Bông Mai: 'Tôi sợ cảm giác nhớ cha khi ngồi bên mâm cơm' ảnh 1

Nhạc sĩ An Thuyên hiện lên trong mắt con gái là người cha, người chồng yêu thương gia đình hết mực.

- Chị cảm nhận thế nào về tình cảm mà ông dành cho vợ con?

- Tôi và cha biết rất nhiều bí mật của nhau. Chúng tôi không hỏi trực tiếp mà theo dõi rồi tự biết với nhau. Thậm chí, có một số chuyện cả mẹ tôi cũng không hề biết.

Cha tôi khắc khẩu với mẹ nhưng rất quan tâm và yêu thương bà. Lần nào mẹ đi xa, cha chỉ chịu đựng được tối đa ba ngày là sẽ hỏi: "Bao giờ về?". Mẹ tôi là người duy nhất được cắt tóc cho cha tôi từ xưa tới nay. Bình thường, chỉ gần lúc đi tắm, ông mới chịu cho cắt tóc. Nhưng hôm trước khi vào viện khám tổng quát, mẹ tôi có bảo: "Thôi ba vào cắt tóc để mai vào viện trông cho đàng hoàng". Đó là lần đầu tiên ba tôi đồng ý một cách vui vẻ. Khi thấy khoảnh khắc cha mẹ cắt tóc cho nhau, tôi thương ông bà tới nỗi định cầm máy lên chụp lại.

- Chị làm thế nào để xoa dịu nỗi đau cho mẹ?

- Thực ra các thành viên trong gia đình tôi đều hiểu phải tự vượt qua nỗi đau bằng chính bản thân mình. Tôi và các con chỉ luôn cố gắng ở bên để giúp cho cuộc sống của mẹ trở nên vui tươi hơn. 

Mẹ tôi đã tìm mọi cách để trở nên mạnh mẽ và vượt qua nỗi đau một cách trực diện. Mẹ vốn không có nhiều bạn bè, ngày ngày chỉ biết đến nấu ăn, pha nước cam, là quần áo, chăm sóc cho chồng. Thậm chí, buổi đêm, mẹ cũng phải đặt chuông báo thức để làm đồ ăn đêm cho cha. Đến khi chồng mất, bà vẫn giữ những thói quen cũ, phần để ổn định cảm xúc, phần khác cũng để cảm thấy ông vẫn ở bên, giống cách tôi đang làm.

Nhưng bề ngoài mạnh mẽ là vậy, tôi biết mẹ yếu mềm lắm. Dù đồng ý cùng tôi đến buổi họp báo ra mắt liveshow tưởng nhớ cha và cố gắng cười nói, vừa nghe có người hỏi han về ông, bà đã bật khóc rồi. Sau khi cha mất, thi thoảng, mẹ lại thấy tiếc khoảng thời gian hai vợ chồng hục hặc với nhau. Bà cứ ân hận vì cấm đoán ông nhiều thứ quá. Đôi lúc mẹ bảo tôi rằng: "Giá như hồi đó cứ để ông ấy ăn đồ ngọt, mỡ như vẫn thích".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.