Bóng ma khủng bố IS trên màn ảnh

Sau những gì xảy ra trong tối 13/11 tại Paris, có lẽ Hollywood sẽ còn “chìm trong” khói lửa và bom đạn của khủng bố trong nhiều năm tới.

Từ giữa thập niên 2000, dù có thể không đề cập trực tiếp đến đề tài nhạy cảm ấy, khán giả được thấy rất nhiều hình ảnh của sự náo loạn, khói lửa hay tro tàn trên màn ảnh, phản ánh một phần sự thật thông qua các tác phẩm giải trí thuần túy.

Từ thời Thế chiến thứ II, quân đội Đồng minh luôn sử dụng phim ảnh làm công cụ tuyên truyền trong cuộc chiến với những tên lính phát xít tàn ác. Sang đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hollywood lại tạo ra hàng loạt kẻ thù “giả tưởng”, như quái vật, sinh vật ngoài không gian..., bởi mặt trận tình báo vốn không xảy ra nhiều tiếng súng, như bộ phim Bridge of Spies (2015) mới đây của Steven Spielberg đề cập tới.

Bóng ma khủng bố IS trên màn ảnh ảnh 1

Kẻ thù của nước Mỹ tại mỗi thời điểm đều được phản ánh bằng nhiều cách sáng tạo khác nhau trên màn ảnh.

Với cuộc chiến chống khủng bố, Hollywood đã phản ứng nhanh nhẹn hơn. Thể loại kinh dị xuất hiện trước tiên với một số tác phẩm như giễu nhại các hình ảnh gây sốc ở nhà tù Abu Ghraib. Sau đó, một số tác phẩm đề cập trực tiếp đến đề tài ấy liên tục được sản xuất, như In the Valley of Elah (2007) của Paul Haggis, Rendition (2007) của Gavin Hood, Lions for Lambs (2007) của Robert Redford, The Kingdom (2007) của Peter Berg, nhưng chúng lại không được khán giả Mỹ đón nhận. Chỉ ngoại trừ World Trade Center (2006), câu chuyện về những người hùng cứu hỏa tại tòa tháp đôi vào ngày 11/9/2001, là gặt hái được chút thành công tại phòng vé.

Khi xu hướng ấy bắt đầu thoái trào, hàng loạt bộ phim thương mại chứa đựng đề tài hoặc hình ảnh khủng bố nhăm nhe xuất hiện. Siêu anh hùng Batman chiến đấu với một lũ cướp vũ trang trên đường phố, cả New York chìm trong khói lửa như ngày 11/9 vì một con quái vật không rõ lai lịch, một nhà tài phiệt buôn bán vũ khí đánh phá căn cứ khủng bố trong bộ áo giáp có sức mạnh siêu phàm...

Khán giả hẳn không khó khăn để nhớ ra đó là The Dark KnightCloverfield và Iron Man, những tác phẩm thương mại thành công của năm 2008. Chúng không đề cập trực tiếp tới vấn nạn khủng bố, mà chỉ cố gắng tái tạo âm thanh và hình ảnh giống như trên bản tin thời sự đương đại.

Bóng ma khủng bố IS trên màn ảnh ảnh 2

Những hành động của tên Joker trong The Dark Knight(2008) không khác nào một tên khủng bố.

Xu hướng cũ từng bị giới phê bình chê trách là “chân thực tới mức vụng về”, “quá giáo điều”, “đem đến cái nhìn một chiều về cuộc chiến tại Iraq”... Còn với các bộ phim giải trí thì sao? Thông điệp có thể nằm ở đó nếu bạn muốn, còn không thì nó đã bay mất cùng hàng loạt vụ cháy nổ lớn trên màn ảnh rồi.

Giờ thì IS là bóng ma khủng bố lớn nhất mà Mỹ và cả thế giới đang phải đương đầu. Những bộ phim lớn của mùa hè năm nay, như Avengers: Age of UltronMad Max: Fury RoadJurassic WorldAnt-Man, Terminator: Genisys, có thể ra đời từ trước khi tổ chức Hồi giáo cực đoan xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Nhưng chúng như tiếp nối cho dòng chảy phim thương mại mang đề tài khủng bố suốt gần một thập kỷ qua.

Trong Avengers: Age of Ultron, ác nhân Ultron thâm nhập hệ thống dữ liệu trên toàn cầu và cố gắng làm chủ chúng. IS cũng là những kẻ lợi dụng công nghệ, đặc biệt là Internet, để chiêu mộ thành viên, truyền bá tư tưởng khủng bố cực đoan. Trong Mad Max: Fury Road, những cuộc giao đấu diễn ra ở các vùng hoang mạc cằn cỗi, vì dầu mỏ và phụ nữ. Đám thuộc hạ phục tùng Immortan Joe tôn thờ lão như một vị thánh sống, sẵn sàng “tử vì đạo” để tiêu diệt những kẻ dám đối địch chúa tể.

Bóng ma khủng bố IS trên màn ảnh ảnh 3

Ở đầu Mad Max: Fury Road, Nux sẵn sàng hy sinh tính mạng để phục vụ cho "thánh sống" Immortan Joe, đồng thời được đặt chân tới "miền đất thánh Valhalla".

Bộ phim ăn khách thứ ba lịch sử nhân loại, Jurassic World, cũng có thể khiến người ta liên tưởng tới tình hình chính trị Trung Đông. Trong phim, một tổ chức quân sự hy vọng có thể biến đám khủng long ăn thịt Velociraptor trở thành chiến binh trong những cuộc chiến không biên giới.

Khi loài khủng long lai thông minh Indominus Rex xuất hiện, Velociraptor có cơ hội để chứng tỏ bản thân. Nhưng con người vẫn cảm thấy bất an khi song hành cùng Velociraptor bởi chúng có thể quay lại cắn xé chúng ta bất cứ lúc nào. Có lẽ tâm thế người Mỹ lúc này cũng vậy, chẳng biết tin tưởng vào đồng minh nào ở khu vực Trung Đông.

Nếu như bộ phim siêu anh hùng gần đây của Marvel Studios là Ant-Man đề cập tới vấn đề vũ khí hóa một bộ giáp siêu việt, thì Batman v Superman: Dawn of Justice hay Captain America: Civil War trong năm sau sẽ đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Đó là tổn thất ngoài dự kiến hoặc không lường trước, khi các siêu anh hùng ra tay trừ gian diệt bạo. Đây vốn cũng là điều đang xảy ra hàng ngày ở Iraq hay Syria.

Bóng ma khủng bố IS trên màn ảnh ảnh 4

American Sniper(2014) là bộ phim hiếm hoi đề cập trực tiếp đến cuộc chiến khủng bố mà gặt hái thành công tại phòng vé.

Dòng phim theo sát thực tế cũng có lúc tỏa sáng, như American Sniper - tác phẩm tiểu sử về xạ thủ Chris Kyle của đạo diễn Clint Eastwood và tài tử Bradley Cooper, thu tới hơn 500 triệu USD toàn cầu. Nhưng thành công như thế là cực hiếm, và các nhà sản xuất chẳng dại gì bỏ rơi các tác phẩm thương mại, thi thoảng chỉ cần lồng ghép vào đó một số chi tiết mang tính liên tưởng.

Sau những gì xảy ra trong tối 13/11 tại Paris, bóng ma IS và chủ nghĩa khủng bố lại bao trùm khắp thế giới. Thật oái oăm khi một bom xịt của mùa hè 2015,Tomorrowland, lại đề cập đến tương lai tươi sáng và nhiều điều lạc quan mà nhân loại muốn hướng tới. Có lẽ Hollywood sẽ còn “chìm trong” khói lửa và bom đạn của khủng bố trong nhiều năm tới.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.