Thầm phục người của Ban tổ chức Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) và cụ thể là anh lái xe. Chỉ non hai ngày mà lần lượt dâng hương những Tượng đài Bác Hồ, Nghĩa trang LS Truông Bồn, Đền thờ Quang Trung trên núi Quyết, Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang LS miền Nam ở Quảng Bình, Tượng đài LS TNXP Quảng Bình, Hang Tám Cô, Chùa Hoằng Phúc, NTLS Trường Sơn, NTLS Đường Chín. Tất thảy những địa danh của vệt tâm linh ấy năm ngoái và nhiều năm trước đã từng đến chiêm bái.
Tưởng cũ mà vẫn lạ. Như vạt cây mua năm ngoái bên hông nghĩa trang LS Truông Bồn mới trồng còn còi cọc mà bây giờ đã vổng lên sắc tím bắt mắt. Sắc ấy là màu linh. Linh thiêng như thuở các cô gái TNXP ngã xuống tháng 10/1968 bên con đường chiến lược 15A này bạt ngàn bời bời một sắc sim mua. Màu tím bữa nay như nối dài như chặt bền với một quá vãng hào hùng.
2. Mũ nón bít bùng thì dường như thất thố khi dâng hương trước anh linh LS nên trong màn mưa nặng hột ở Nghĩa trang LS Trường Sơn và Đường Chín cả đoàn ai nấy đều ướt lướt thướt. Những tưởng vướng cữ mưa dai và dày thì vắng người viếng nhưng nghĩa trang từ sáng đến tối cứ nghịt người. Tháng 7 cùng tiết Ngâu và sắp 27/7 như cớ lành xui khiến những lương dân Việt tìm đến nơi thiêng đây?
Sáng kiến của ai đó trong đoàn rằng, ngoài khu mộ các địa phương có tên LS thì nên tranh thủ dâng hương ở phần mộ LS chưa có tên.
Trong màn mưa, cảnh vật như thứ phim âm bản mờ ảo thấp thoáng hình nhân đi viếng bên những ngôi mộ không tên. Chưa hay là không? Sức nặng câu hỏi đó trĩu xuống chức phận trước đây là người chịu trách nhiệm hậu cần trận mạc, người lo công tác thương binh tử sĩ sau trận đánh (giá như có cái thẻ bài như quân đội Mỹ?
Và những lọ Péneciline đựng mảnh giấy ghi địa chỉ giúi vội vào mộ LS?) và sau này là giăng giăng các cơ quan trách nhiệm của Bộ TBXH và nhiều ngành cơ quan... Hơn nửa triệu LS chưa tìm thấy danh tính. Nghĩa trang Trường Sơn, Đường Chín đây ít thôi, chỉ gần 200 mộ nhưng ngược lên NTLS Lào Việt ở Nghệ An có 10.741 ngôi mộ thì có hơn 7000 mộ không có tên LS.
Nghĩa trang Đường 9. Sải những chầm chậm bên 80 ngôi mộ không tên của các chiến sĩ đặc công tiểu đoàn 31, đơn vị xuất quỷ nhập thần trong trận đánh vào cứ điểm Mỹ Ngụy ở Cam Lộ đêm 26/8/1966. Nghe nói các anh đa phần là người Bắc lứa đặc công thể lực và lý lịch không thể tốt hơn, được đào luyện cẩn thận.Trận đánh có danh, là nổi tiếng. Nhưng các anh thành vô danh. Bao năm rồi các anh nằm đây. Lặng lẽ vô ngôn như chữ trên bia mộ liệt sĩ không tên. T
ự dưng tôi bồi hồi nghĩ đến một cô gái mảnh mai có tên là Hằng. Ngô Thị Thúy Hằng. Chuyện của Hằng thì dài nhưng vắn tắt thế này. Trẻ lắm, sinh năm 1978. Hằng tốt nghiệp 2 trường ĐH, từng có công ăn việc làm ổn định. Lần ấy nghe theo lời khuyên của mẹ đi tìm mộ người cậu hy sinh từ thời kháng chiến chống Pháp, Hằng tất tả qua nhiều cơ quan, gõ cửa nhiều nơi nhưng sau bao ngày đôn đáo, kết quả tìm mộ ông cậu cũng chỉ là mờ mịt…
Nhưng chính những ngày tất tả ấy, Hằng chợt nhận ra một bản thể khác ló dạng trong con người vốn an phận của mình. Rằng tự dưng thời gian trở nên hữu dụng, ít trống rỗng, vô hồn? Rằng mình trở nên nhân ái, dịu dàng hơn, có ích hơn. Và lộ trình tìm mộ LS không nhiêu khê, phiền toái đơn điệu tẻ ngắt như Hằng đã nghĩ. Nghĩa cử lòng tốt của Hằng có sức lây lan. Tám người bạn của Hằng ở mấy trường đại học đã tự nguyện thành một nhóm thiện nguyện làm nhiệm vụ tư vấn pháp lý cho gia đình LS.
Từ mấy thông tin đơn điệu, máy móc trên giấy báo tử với cụm từ quen thuộc những họ tên quê quán đơn vị… Hy sinh ở mặt trận phía Nam. Đã được an táng tại nghĩa trang riêng gần mặt trận Hằng và các bạn trẻ đã tìm đến Bộ LĐTBH, các đơn vị quân đội, các cơ quan chỉ huy QS tỉnh, tìm đến các cựu binh…
Họ làm nhiệm vụ phân loại, chắp nối những thông tin mơ hồ thành một câu cú hoàn chỉnh và địa chỉ sinh động cụ thể cần thiết cho các gia đình LS đang có nhu cầu tìm mộ LS… Nhưng những khó khăn về kinh phí. Những nhiêu khê trong quá trình điều tra. Cả những ánh mắt khó chịu ghẻ lạnh không muốn hợp tác. Rằng làm cái việc đáy bể mò kim này đã có các cơ quan lớn của Nhà nước. Lại luôn có các nhà ngoài cảm này khác gọi mời các cô các cậu làm gì nổi?vv… Dần dà nhóm của Hằng chệch choạc rồi tan.
Nhưng một mình Hằng đã trụ lại. Nói văn vẻ như ai đó là Chúa đã chọn người mang thánh giá gánh vác sứ mệnh thiêng liêng. Dường như anh linh các LS đã âm thầm chọn Hằng thân gái dặm trường tiếp tục công việc khổ ải này. Rút kinh nghiệm, Hằng chu đáo chỉn chu hơn trong công việc kết nối thông tin LS với nhiều cơ quan và hàng chục tỉnh thành. Cộng tác viên của Hằng là các cán bộ quản lý là các cựu binh.
Qua 3 lần chuyển địa điểm thuê văn phòng, cứ thế suốt hơn 10 năm nay Trung tâm ( TT) tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình LS (MARIN) đã đứng vững… GĐ TT vốn là một cựu binh, đại tá Nguyễn Quốc Hưng tự nguyện làm không công cho TT. Hơn 50.000 gia đình LS đã nhận được những thông tin hữu ích. Hàng vạn thông tin về các quân nhân hy sinh đã có trong website www.nhantimdongdoi. org của MARIN.
Cũng tại Nghĩa trang Đường 9 này, nhiều năm trước MARIN đã làm được một nghĩa cử là bổ sung thông tin đầy đủ trên bia mộ cho 23 LS. Đó là một việc gian nan với lộ trình âm thầm nhưng quyết liệt. Bởi suốt 9 tháng trời với 76 công văn, tìm tới 20 cơ quan mới có kết quả.
Giá như có nhiều MARIN, có nhiều Hằng và thêm nữa những sự xúm tay chung lo khác, có lẽ âm phần các LS vô danh sẽ đỡ quạnh quẽ đi
nhiều lắm?