Ngày 29/2, nhà sản xuất Boeing cho biết họ chấp nhận đền bù 51 triệu USD cho Bộ Ngoại giao Mỹ về nhiều vi phạm liên quan đến xuất khẩu vũ khí và để nhân viên bí mật lấy tài liệu từ các chương trình của Bộ Quốc phòng.
Boeing chấp nhận khoản đền bù 51 triệu USD cho Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Khoản đền bù kể trên có có thời hạn 3 năm, trong đó 24 triệu USD sẽ được Bộ Ngoại giao sử dụng để khắc phục hậu quả. Trong ít nhất hai năm tới, nhà sản xuất máy bay phải tuyển thêm một nhân viên độc lập để giám sát việc tuân thủ đúng quy định.
Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo từ năm 2013 - 2017, 3 nhân viên của Boeing đã trái phép tải xuống dữ liệu kỹ thuật liên quan đến hàng loạt các chương trình phát triển máy bay chiến đấu bao gồm F-18, F-15 và F-22, hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không E-3, trực thăng tấn công Apache AH- 64 và tên lửa hành trình AGM84E.
Đại diện Boeing thừa nhận để lọt dữ liệu tại các cơ sở đối tác ở 18 quốc gia, bao gồm: Australia, Canada, Pháp, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Kenya, Maroc, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Đài Loan, Ukraine và Vương quốc Anh trong giai đoạn năm 2013-2018.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Boeing tham gia vào một số hoạt động xuất khẩu trái phép vật liệu quốc phòng và dữ liệu kỹ thuật sang một số quốc gia bao gồm Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.
Cơ quan ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các yêu cầu đền bù dựa trên Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí và quy định buôn bán vũ khí quốc tế. Boeing bị phạt thể hiện tầm quan trọng của việc xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng. Chỉ khi có sự cho phép và nhất trí của chính phủ, các hãng tư nhân mới có thể thực hiện hoạt động kinh doanh này.