Bộ Văn hóa lên tiếng về tam quan chùa Bổ Đà

Tam quan chùa Bổ Đà đang xây dựng chưa đúng với hồ sơ được phê duyệt. Ảnh:Minh Khang.
Tam quan chùa Bổ Đà đang xây dựng chưa đúng với hồ sơ được phê duyệt. Ảnh:Minh Khang.
TP - Sau bài “Chùa Bổ Đà mới mọc tam quan” trên Tiền Phong số 71 ngày 12/3, phóng viên trao đổi với đại diện Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL để làm rõ hơn về công trình này.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà có tam quan mới, TS Nguyễn Hồng Kiên nói đây là “hành động vô minh” bởi nhiều đời nay ngôi chùa này không có tam quan, hà cớ gì bây giờ lại xây mới. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký văn bản đồng ý cho Bắc Giang xây dựng tam quan chùa vào cuối năm 2016. Theo thông tin từ Phòng Quản lý Di tích, Bộ phê duyệt chủ trương dựng tam quan  tại thời điểm chùa Bổ Đà vẫn là di tích quốc gia.

Đại diện Phòng Quản lý di tích lí giải, Luật Di sản Văn hóa năm 2001được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”. Trong trường hợp này, Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét.

Đại diện Cục Di sản Văn hoá phân tích, trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, tam quan là công trình gắn với chùa. Nghiên cứu lịch sử hình thành các di tích cũng cho thấy, rất ít tổng thể di tích được quy hoạch hoàn chỉnh ở một thời kỳ, sản phẩm hiện tại là kết quả của quá trình xây dựng, tu bổ lâu dài, trong đó có việc bổ sung những yếu tố mới để hoàn thiện tổng thể kiến trúc. “Điều này thể hiện diễn biến của di tích, có thể có cả sự tiếp biến văn hóa và theo quy định (luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế) những thành phần di tích có giá trị thuộc nhiều thời kỳ khác nhau đều được tôn trọng”, đại diện Cục Di sản nói.

Ngoài căn cứ về pháp lý và chuyên môn do Cục Di sản thẩm định, Bộ căn cứ trên các nguồn tư liệu khác nhau (đơn thư và lời kể nhân chứng) cho thấy việc xây dựng Tam quan đã được các vị sư tổ chuẩn bị từ khoảng những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, song do điều kiện khách quan  như thiên tai, chiến tranh nên chưa thực hiện được.

Nội dung này được Bắc Giang trích dẫn trong thuyết minh về nguyên nhân tu bổ và xây dựng, theo đó phần gỗ định dựng tam quan Bổ Đà được chuyển để dựng tại chùa ở Bắc Ninh và Hải Dương. “Từ những vấn đề trên, có thể nhận thấy việc cho phép xây dựng tam quan chùa Bổ Đà dựa trên căn cứ pháp lý, phù hợp về chuyên môn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng nói.

Tuy nhiên, ngày 14/3 đại diện Cục Di sản lên thực địa chùa Bổ Đà ghi nhận “kiến trúc tam quan đang triển khai thi công không hoàn toàn đúng với hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà đã được Bộ VHTTDL thẩm định tại Công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2016”. Theo đó hồ sơ được thẩm định với quy mô mặt bằng ba gian hai chái, nhưng hiện tại công trình được xây dựng với quy mô năm gian, hai chái. Về mẫu tam quan Bổ Đà, Cục Di sản Văn hoá khảo sát trực tiếp tại di tích, mời PGS.TS Trần Lâm Biền cùng tham gia và có góp ý. Sau quá trình thẩm định, Bộ có văn bản đồng ý với phương án nói trên.

MỚI - NÓNG