Sáng 7/10, tại buổi họp báo, PV hỏi quan điểm của Bộ Tư pháp khi tham gia thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, nội dung đang được thẩm định là Bộ Công an rút đề xuất giảm mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu?
Bà Nguyễn Thị Minh Phương. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh Phương (Phó cục trưởng Cục Quản lý và xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan này đã họp thẩm định. Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "điều khiển xe tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn".
Theo bà Phương, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng có quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện có hành vi nêu trên. Cho nên, quan điểm của Cục Quản lý và xử lý vi phạm hành chính, là việc quy định hình thức xử phạt và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính Nhà nước của hành vi đó.
"Một trong những yêu cầu khi quy định về hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính, còn phải bảo đảm tính giáo dục, răn đe và tính hợp lý khả thi khi triển khai thực hiện", lãnh đạo Cục Quản lý và xử lý vi phạm hành chính nói.
Cảnh sát xử lý vi phạm nồng độ cồn. |
Trước đó, trong các lần dự thảo nghị định được công bố, ở lần thứ 3 Bộ Công an rút đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người lái ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị trừ 3 điểm trong giấy phép lái xe. Mức phạt này tương tự với quy định tại nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123) hiện hành.
Nhưng tại dự thảo hồi tháng 8/2024, Bộ Công an đề xuất phạt tiền hành vi này chỉ từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Với mức vi phạm khi lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở trong dự thảo mới cũng giữ nguyên mức phạt như hiện hành 16 - 18 triệu đồng; khi lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, mức phạt sẽ từ 30 - 40 triệu đồng.
Cùng với đó, tài xế cũng bị trừ 10 - 12 điểm giấy phép lái xe.
Tại buổi họp báo thông báo tình hình và kết quả công tác của lực lượng Công an quý III năm 2024 vào chiều 4/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, nhấn mạnh việc xử lý vi phạm pháp luật giao thông sẽ không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Ông cho biết Bộ Công an sẽ giữ nguyên mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Dù đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Trong năm 2023 và quý 1/2024, có trên 7.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã được báo cáo về các cơ quan, đơn vị quản lý.
Bộ Công an yêu cầu các lực lượng trong quá trình tuần tra và kiểm tra tuân thủ quy định "thượng tôn pháp luật", không chấp nhận bất kỳ can thiệp nào để bỏ qua lỗi vi phạm. Về trách nhiệm của các thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan đến các cán bộ vi phạm, Bộ Công an sẽ xem xét xử lý khi có số liệu cụ thể từ các đơn vị gửi về.