‘Bộ tứ’ cam kết bảo vệ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 24/5, lãnh đạo 4 quốc gia thuộc "Bộ tứ" khẳng định sẽ làm việc cùng nhau để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, đồng thời chống biến đổi khí hậu.
‘Bộ tứ’ cam kết bảo vệ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ảnh 1

Lãnh đạo 4 quốc gia thuộc nhóm "Bộ tứ" tại thượng đỉnh ở Tokyo ngày 24/5. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu mở màn hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không chỉ là vấn đề của châu Âu, mà cả thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thể hiện quan điểm tương tự, nói rằng không được để điều tương tự xảy ra ở châu Á.

Một quan chức Mỹ cho biết Đài Loan (Trung Quốc) không phải nội dung chính thức trong thượng đỉnh lần này, nhưng vẫn là chủ đề quan trọng sau khi ông Biden phá vỡ truyền thống để nói rằng Mỹ sẽ dùng vũ lực bảo vệ hòn đảo nếu Trung Quốc đại lục tấn công.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng Washington sẽ sát cánh với các đồng minh để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

Xung đột ở Ukraine “cho thấy tầm quan trọng của mục tiêu duy trì các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Luật quốc tế, quyền con người cần được bảo vệ, dù ở bất kỳ đâu”, Tổng thống Mỹ nói.

Ông Kishida cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine “làm lay chuyển nền tảng của trật tự quốc tế” và “thách thức trực tiếp các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc”.

“Chúng ta không nên để những điều tương tự xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Kishida nói.

Bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không nhắc đến Nga hay Ukraine.

Dù Ấn Độ phát triển quan hệ gần gũi với Mỹ trong những năm gần đây và đang đóng một vai trò quan trọng trong "Bộ tứ" - một tập hợp lực lượng nhằm đẩy lùi Trung Quốc – New Delhi vẫn duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống lâu năm với Nga.

Trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới, tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese khẳng định trong cuộc họp rằng ưu tiên của ông phù hợp với ưu tiên của nhóm, và ông cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở khu vực mà các đảo quốc Nam Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ tình trạng nước biển dâng.

“Khu vực đang trông đợi chúng ta làm việc với họ và nêu gương. Đó là lý do chính phủ của tôi sẽ có hành động tham vọng về biến đổi khí hậu và tăng hỗ trợ cho các đối tác ở khu vực để họ đối phó, bao gồm hỗ trợ tài chính mới”, ông Albanese nói.

Về quan điểm của Ấn Độ đối với Ukraine, một quan chức Mỹ cho biết ông Biden sẽ tìm kiếm những điểm chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc gặp trực tiếp.

“Đúng là có một số khác biệt giữa các thành viên Bộ tứ. Câu hỏi đặt ra là giải quyết như thế nào và quản lý như thế nào”, Reuters dẫn lời vị quan chức nói với báo chí.

Một câu hỏi quan trọng đối với ông Biden khi đến dự thượng đỉnh lần này là làm cách nào để Ấn Độ không còn phụ thuộc vào nguồn thiết bị quân sự từ Nga, viện trợ và hỗ trợ để Ấn Độ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Mỹ đang cân nhắc dành 4 tỷ USD “hỗ trợ đầu tư” cho Ấn Độ, bên cạnh hàng tỷ đô la Mỹ đã cam kết trước đó, New Delhi hôm qua cho biết. Hai bên vừa ký thỏa thuận về sản xuất vắc xin COVID-19, y tế, năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng và tài chính.

Theo Reuters, Japan Times
MỚI - NÓNG