Bộ trưởng Y tế “tâm sự” với sinh viên Đại học Y Hà Nội

Bộ trưởng Y tế “tâm sự” với sinh viên Đại học Y Hà Nội
TPO - Sáng 4.9, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2013-2014. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những lời tâm huyết căn dặn sinh viên và đặc biệt là 17 thủ khoa đầu vào.

Điều đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến muốn tâm sự với những thầy thuốc tương lai chính là chất lượng nhân lực của ngành y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà “luôn tâm niệm rằng chất lượng nhân lực y tế là một vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất quyết định chất lượng dịch vụ y tế. Nó bắt đầu từ ước mơ làm bác sỹ của các em học sinh, rồi phải vượt qua một kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất để trở thành sinh viên trường Y, rồi 6 năm miệt mài vừa học vừa hành với biết bao cực nhọc”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà cho sinh viên. Ảnh: Đỗ Hợp
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà cho sinh viên. Ảnh: Đỗ Hợp.
 

Mỗi sinh viên, khi đã bước chân vào cánh cổng trường Đại học Y đều mong trở thành người thành đạt, thành một bác sỹ giỏi. Tuy nhiên, với những đặc thù của ngành y tế, khi đã ước mơ, đã yêu nghề thầy thuốc thì ắt hẳn mỗi sinh viên bây giờ (và một bác sĩ mai sau) sẽ phải đối mặt với những đòi hỏi rất khắt khe.

Bởi, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trở thành sinh viên trường Y thật khó nhưng để trở thành một bác sỹ giỏi còn khó hơn gấp nhiều lần. Người bác sỹ không được phép để xảy ra sai sót nào, trong khi thách thức đối mặt với hàng loạt căn bệnh nan y ngày một cao hơn. Có lẽ chỉ có một tình yêu lớn, một niềm đam mê mãnh liệt với nghề nghiệp mới có thể nuôi dưỡng tinh thần trở thành một bác sỹ giỏi.

Đề cập những đòi hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhắc đến một số vụ việc rất đáng tiếc xảy ra trong ngành thời gian vừa qua.

Bà chia sẻ: “Là người đứng đầu ngành y tế, tôi phải làm việc theo đúng bổn phận, chức năng. Là một người phụ nữ, là một người mẹ, tôi vô cùng đau xót trước cái chết của các cháu nhỏ, trước những mất mát không gì bù đắp được của các gia đình mất đi người thân. Dù đúng sai ở đâu, dù đã làm hết bổn phận trách nhiệm nhưng trước những sự việc đau lòng đó, chúng tôi vẫn thấy mình còn cần phải làm nhiều hơn nữa, cố gắng hơn, sáng tạo, cống hiến và quyết liệt hơn nữa để ngày càng bớt đi những rủi ro trong nghề nghiệp. Nghề y của chúng ta, tai nạn nghề nghiệp là không tránh khỏi và luôn có thể bất ngờ xảy ra, kể cả ở các nước đã phát triển. Nhưng đổi lại, chúng ta sẽ thật vui khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh, khi cứu sống được từng người với những ánh mắt ngưỡng mộ, cảm ơn của họ và cả những người thân. Và hơn thế là niềm hạnh phúc lan tỏa trong trái tim mỗi chúng ta khi làm được những việc có ích cho nhân dân”.

Bộ trưởng Kim Tiến còn nhấn mạnh: Không giống như những ngành nghề khác, các quyết định sai của chúng ta có thể phải trả bằng sức khỏe và thậm chí là mạng sống của bệnh nhân, thế mà mỗi ngày, một bác sỹ phải đưa ra rất nhiều quyết định liên quan đến sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân. Đây cũng chính là khó khăn và thách thức thực sự khác biệt chỉ có ở sinh viên trường Y. Nhưng với những nỗ lực của thầy và trò Trường Đại học Y những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tin tưởng rằng bằng tình yêu và đam mê của mình, các em sinh viên sẽ nỗ lực vượt qua ngay từ ngày hôm nay, từ giây phút trống trường điểm giờ khai giảng và liên tục như thế trong suốt các năm tiếp theo.

Bộ trưởng cũng căn dặn sinh viên Trường Đại học Y có thể phải chấp nhận hy sinh một số niềm vui mà sinh viên các trường khác có thể có được, vì đơn giản trong tương lai, một bác sỹ sẽ phải đối mặt với trăm ngàn khó khăn liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng con người. Dù khó khăn, vất vả nhìn thấy trước nhưng Bộ trưởng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng các sinh viên không nản chí vì nghề mà các em đã chọn là nghề mang lại điều hạnh phúc và quý giá nhất cho mỗi con người - đó là “sức khỏe”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.