Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang tích cực hoàn thiện Hồ sơ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 14/4 và xin lùi thời hạn trình Quốc hội Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
“Việc hoàn thiện và thẩm định bộ hồ sơ này trước khi gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có thời gian, nên không thể kịp hoàn thành để phục vụ cho phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGD).
Vì các lý do trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban VHGD rút nội dung thảo luận về Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của phiên họp toàn thể”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Thay mặt Ủy ban VHGD, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi chấp thuận đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ông Thi lưu ý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo ban soạn thảo quan tâm hoàn chỉnh các nội dung về kinh phí, tổng kết Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo tác động vì còn quá sơ sài, chỉ có vài trang, nên không tương xứng với nội dung.
Sau khi xin rút, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra về. Dù vậy, trong thời gian làm việc tiếp theo của Ủy ban VHGD, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lật lại vấn đề này với các ý kiến khá gay gắt.
“Rất tiếc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về sớm quá, không ở lại để lắng nghe ý kiến các đại biểu”.
Phó Chủ nhiệm UBVHGD
Ngô Thị minh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Ngô Thị Minh cho biết, cử tri phàn nàn rất nhiều về việc đổi mới SGK cũng như các giải thích bất nhất của đại diện Bộ GD&ĐT về con số 34 nghìn tỷ đồng.
“Rất tiếc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về sớm quá, không ở lại để lắng nghe ý kiến các đại biểu”, bà Minh nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Lê Văn Học cũng chê nội dung đề án quá sơ sài, không có số liệu. “3/4 đại biểu của Ủy ban là những nhà giáo, nếu dễ dãi với đề án này thì uy tín của Ủy ban cũng không còn”, ông Học nói.
Ủy ban VHGD nhận định, quy trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, SGK chung; thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai thực hiện; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, nhất là giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học. Do đó, Bộ GD&ĐT cần có sự phân tích sâu sắc để đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
ĐBQH Đào Trọng Thi: “Bộ GD&ĐT quan niệm hơi đơn giản”
Trao đổi với Tiền Phong, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Đào Trọng Thi đánh giá, hồ sơ mà Bộ GD&ĐT được Chính phủ ủy quyền trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đầy đủ, chưa có báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình, SGK phổ thông giai đoạn trước; báo cáo tác động của chương trình SGK tới xã hội cũng rất sơ sài. “Có vẻ lãnh đạo Bộ GD& ĐT quan niệm hơi đơn giản về việc này”, ông nói.
Ông Thi cho biết, về nguyên tắc, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT không thể thiếu báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, thế nhưng báo cáo này chưa có.
“Báo cáo giám sát của Quốc hội không thể thay thế báo cáo tổng kết của bộ được. Muốn có báo cáo tổng kết, Bộ GD&ĐT phải tổ chức tổng kết từ cơ sở lên, như vậy cần phải có thêm thời gian để làm việc này”, ông Thi nói.
Đối với số tiền mà Bộ GD&ĐT đưa ra như 70 nghìn tỷ, 30 nghìn tỷ, 100 tỷ đồng… cho việc đổi mới SGK, ông Thi cho rằng, đổi mới giáo dục là quyền lợi của mọi nhà, mọi người, vì vậy người dân sẽ sẵn sàng đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
“Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng đưa ra các con số phải có thẩm định và giải trình rõ ràng, nếu bất nhất sẽ khiến dư luận băn khoăn và mất niềm tin vào quá trình đổi mới giáo dục”.
Ông Thi đề nghị phân tách rõ khoản tiền trực tiếp chi cho chương trình viết và triển khai SGK với khoản tiền gián tiếp như chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, truyền thông…
“Đổi mới chương trình SGK phải phù hợp với khả năng thực tiễn. Phải tích cực chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình đó. Chúng ta phải rút kinh nghiệm lần trước đặt ra quá cao mà thực hiện lại quá thấp, thậm chí là không thực hiện được gì”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.