Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng gặp câu hỏi khó

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng gặp câu hỏi khó
TP - Chiều 12-11, lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận được một số câu hỏi mà ông thừa nhận là khó, liên quan vi phạm tại Tập đoàn Sông Đà và một số doanh nghiệp trong ngành.

> Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp phá "băng" bất động sản

Câu hỏi khó

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) và ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đều chất vấn về những vi phạm sau thanh tra tại Tập đoàn (TĐ) Sông Đà, trong đó có việc góp vốn ngoài ngành, thua lỗ trong các dự án nhà máy xi măng… với tổng số tiền vi phạm lên tới 10.676 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đã xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân ra sao? ĐB Lê Như Tiến cũng hỏi thêm, ngoài TĐ Sông Đà thì còn DN nhà nước nào trong ngành có vi phạm tương tự?

Bộ trưởng (BT) Trịnh Đình Dũng nhận định đây là “câu hỏi khó” và nhờ Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp làm rõ.

BT Trịnh Đình Dũng cho biết, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận đối với cả tổ chức và cá nhân.

Trong đó, qua kiểm tra và đánh giá những sai phạm thì Chủ tịch TĐ Sông Đà Dương Khánh Toàn không đến mức xử lý kỷ luật. Trong hơn 10 nghìn tỷ đồng Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý thì có vấn đề về nguyên tắc chứ không phải thất thoát, mất đi. Ví như đầu tư chưa đúng quy trình.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xử lý vi phạm. Trong đó, yêu cầu TĐ Sông Đà nộp vào ngân sách 30 tỷ đồng. “Những việc mà Thủ tướng giao thì Bộ Xây dựng đang yêu cầu TĐ kiểm điểm, xem xét những vi phạm. Nếu đến mức độ kỷ luật thì phải xử lý đúng quy định hiện hành”- ông Dũng nói.

Sau phần trả lời này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng về câu hỏi thêm của ĐB Lê Như Tiến.

“Báo cáo với ĐB Lê Như Tiến, câu hỏi của ĐB thì chúng tôi đã có đầy đủ nhưng để ở nhà. Chúng tôi rất mong mời ĐB sang bộ để chúng tôi báo cáo”- Bộ trưởng Dũng thật thà giãi bày.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Bộ trưởng còn ngày mai, chuẩn bị để trả lời thêm câu hỏi này”

Được mời “trợ giúp” cho Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thanh tra TĐ Sông Đà kết thúc vào tháng 3-2012.

Thanh tra Chính phủ đã có tổ kiểm tra kết luận sau thanh tra tại TĐ này. Trong đó, vi phạm của TĐ Sông Đà là hơn 10.600 tỷ đồng do sử dụng quỹ sắp xếp đổi mới DN sai mục đích, đầu tư ngoài ngành… TĐ đã có phương án khắc phục vi phạm khoảng 5.000 tỷ đồng.

Hiện đang chờ ý kiến của các bộ, ngành cho chủ trương cụ thể với hơn 5.000 tỷ còn lại. Tuy nhiên, đến nay việc kiểm điểm, quy trách nhiệm cụ thể để xử lý tập thể và cá nhân chưa được tiến hành.

Lãng phí, thất thoát trong xây dựng: Bệnh nan giải

Trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhận được nhiều câu hỏi về chất lượng công trình, lãng phí, thất thoát trong xây dựng; chống các nhóm lợi ích khi giải cứu thị trường bất động sản.

Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), chỉ sau khi các sự cố xảy ra thì cơ quan chức năng mới phát hiện được công trình không đảm bảo chất lượng như dự án Thủy điện Sông Tranh 2, Tháp truyền hình Nam Định. “Đây là lĩnh vực có thất thoát, nguy cơ tham nhũng cao, trách nhiệm của bộ đối với những công trình kém chất lượng ra sao?”- bà Nga hỏi.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, cả nước có 54 nghìn công trình đang đầu tư. Cơ bản chất lượng được kiểm soát, công trình ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có công trình có sự cố, gây thiệt hại về tiền và tính mạng người dân. “Sự cố chủ yếu là công trình cấp 3 do người dân tự xây còn công trình trọng điểm quốc gia ít có sự cố”- Bộ trưởng Dũng cho biết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận, vấn đề chất lượng xây dựng, lãng phí, thất thoát không phải hôm nay mới có mà đã có từ lâu. “Đây là bệnh nan giải, rất khó để khắc phục một cách triệt để” - ông Dũng nói.

Nguyên nhân của lãng phí, thất thoát do thể chế chưa hoàn thiện. Ngay trong Luật Xây dựng, công tác kiểm soát chủ yếu giao cho chủ đầu tư. Ngoài ra còn có nguyên dân do năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; thiếu cơ chế để xã hội và người dân giám sát; chưa có chế tài để xử lý đủ mạnh, có tính chất răn đe những vi phạm.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tới đây sẽ phối hợp với bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Giá trị bất động sản tồn kho hơn 40.750 tỷ đồng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, công tác quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản kém hiệu quả, dẫn đến nhà nhà, người người đầu tư bất động sản, gây tồn kho lớn. “Trong khi người dân có đất nông nghiệp và nhà nước bị thiệt thì nhà đầu tư đã thu lợi rất lớn đến mức có người đã tiết lộ “nhà nước quản lý kém quá nên tôi làm giàu nhanh quá”. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng ra sao khi để xảy ra tình trạng này”- ĐB Nga chất vấn.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, nguyên nhân tồn kho, thị trường bất động đóng băng do quá trình phát triển các dự án vừa qua tự phát, phong trào, thiếu tuân thủ kế hoạch, quy hoạch. Số dự án quá nhiều, vượt xa nhu cầu thực của xã hội, thị trường. Cơ cấu bất hợp lý, thừa bất động sản cao cấp, trung bình, thiếu nhà thu nhập thấp. Vốn bất động sản dựa vào vay tín dụng. Chủ đầu tư đa phần là DN có vốn chủ sở hữu thấp. Khi tín dụng bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao thì dự án đóng băng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ tập trung rà soát các dự án bất động sản để phân loại. Dự án nào chưa GPMB thì dừng lại, dự án chưa đầu tư hạ tầng thì tạm thời giãn tiến độ, dự án đang đầu tư hạ tầng thì phải cơ cấu lại, tập trung vào nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến 30-8, số lượng bất động sản tồn kho gồm: Hơn 16 nghìn căn chung cư, trong đó Hà Nội có 2.300 căn, hơn 10 nghìn căn tại TPHCM, nhà ở thấp tầng tồn kho hơn 5.000 căn; đất nền 1, 6 triệu m2; văn phòng, trung tâm thương mại tồn kho hơn 25.800m2. “Tổng giá trị tồn kho là hơn 40.750 tỷ đồng”- ông Dũng nói.

Vỡ đập Sông Tranh 2 thì ai chịu trách nhiệm đầu tiên?

“Trong kỳ họp trước, Bộ trưởng khẳng định Thủy điện Sông Tranh 2 là yên tâm, an toàn. Chính phủ đã không cho tích nước để tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nhưng câu chuyện này kéo quá dài. Các nhà khoa học có ý kiến khác nhau. Đề nghị BT cho biết quan điểm của mình để sớm kết thúc câu chuyện Sông Tranh 2. Có ba phương án: Thứ nhất, BT nói rõ với quốc dân đồng bào là đập an toàn, người dân cứ ở vậy, không sao cả, thậm chí mời cán bộ đến khu vực đó ở mấy tháng để nhân dân yên tâm. Cần mua bảo hiểm tính mạng cho dân do tích nước hồ mới gây động đất. Thứ hai, công bố với nhân dân là chưa thể yên tâm thì tổ chức tái định cư cho đồng bào. Thứ ba, cần dũng cảm và trách nhiệm với dân, nếu chưa yên tâm thì “của đau con xót” 5.100 tỷ đầu tư công trình này cũng phải dừng. Nếu đập vỡ thì ai là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên”- ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định, đây cũng là câu hỏi khó. Hôm nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng sẽ trả lời câu hỏi này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.