Bộ trưởng TN&MT: Nổ lò vôi Formosa 'không nguy hiểm'

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố nổ lò vôi Formosa không nguy hiểm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố nổ lò vôi Formosa không nguy hiểm.
TPO - “Xảy ra sự cố này quả là điều đáng tiếc, tuy nhiên thực ra cũng không nguy hiểm, bởi nó là một hệ thống túi lọc bụi của lò vôi. Và quá trình vận hành này là do áp suất, hơi nước, bụi… có vấn đề trong vận hành, không chịu được nên đã bục túi vải”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay.

Chiều 31/5, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về sự cố nổ lò vôi Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, trước khi sự cố xảy ra tại nhà máy Formosa, Bộ đã có đoàn công tác ở Hà Tĩnh, gồm 1 phó tổng cục trưởng, 1 đoàn giám sát, một nhóm các chuyên gia, 3 trung tâm giám sát và quan trắc môi trường.

Theo ông Hà, khi sự cố xảy ra tối 30/5, ngay lập tức các lãnh đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng như các đoàn công tác của Bộ TN-MT đều có mặt ngay tại Formosa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, từ trước khi vận hành thử, Bộ đã có chỉ đạo tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn, môi trường, các sự cố môi trường, cho đến vấn đề an toàn cháy nổ, các biện pháp để đảm bảo an toàn…

Về sự việc xảy ra sự cố đối với lò vôi, Bộ trưởng Hà cho biết, đây chỉ là công trình phụ trợ của nhà máy, nhằm sản xuất vôi để cung cấp cho quá trình luyện thép lò cao.

“Xảy ra sự cố này quả là điều đáng tiếc, tuy nhiên thực ra cũng không nguy hiểm, bởi nó là một hệ thống túi lọc bụi của lò vôi. Và quá trình vận hành này là do áp suất, hơi nước, bụi… có vấn đề trong vận hành, không chịu được nên đã bục túi vải của lò vôi này”.

“Vì là vôi, nên khi sự cố xảy ra, tác động về môi trường của nó không lớn. Tất nhiên đây vẫn là điều đáng tiếc”, ông Hà cho hay.

Bộ trưởng nói thêm, khi xảy ra sự cố, doanh nghiệp đã dừng ngay lập tức và có những giải pháp để ứng phó với những cách thức rất bài bản.

Được biết, lò vôi đang đốt dùng để xử lý nguyên liệu vôi phục vụ nhà máy. Vôi sống CaO là nguyên liệu rất cần thiết để tạo xỉ, loại bỏ lưu huỳnh trong quặng sắt. Mỗi tấn nguyên liệu đưa vào lò cần 80kg vôi. 

Vôi được cho vào lò qua thiêu kết quặng. Rồi quặng thiêu kết mới cho vào lò. Như vậy khâu tôi vôi hoàn toàn nằm ngoài lò cao (cách lò cao 500m).

Hiện các chuyên gia đang đánh giá sâu hơn về nguyên nhân của sự cố để có những giải pháp khắc phục lâu dài hơn về sự cố này.

MỚI - NÓNG