Bộ trưởng Tài nguyên: Dòng sông chết làm sao tạo được dòng chảy, chống ô nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Tôi thấy các dòng sông mà chúng ta hay nói là “dòng sông chết” thì làm sao tạo được dòng chảy, làm sao chống được ô nhiễm môi trường”, ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ TN&MT nói.

Chiều 20/6, phát biểu giải trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh tinh thần phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, về bảo vệ, về sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là đảm bảo về an ninh nguồn nước.

Bộ trưởng Tài nguyên: Dòng sông chết làm sao tạo được dòng chảy, chống ô nhiễm ảnh 1

Ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ TN&MT. Ảnh Như Ý

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến an ninh nguồn nước, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, việc biến đổi khí hậu tác động rất lớn.

“Chúng ta đã nhìn thấy từ các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn thấy rõ việc Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải làm thế nào đảm bảo được về an ninh nguồn nước rất quan trọng và đảm bảo được chủ động tích nước, điều tiết đảm bảo đủ nước và cấp nước sinh hoạt cho đời sống và sản xuất, trong đó kể cả sinh thủy nguồn nước như thế nào”, ông nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, dự thảo luật sẽ rà soát các giải pháp, có giải pháp về tiết kiệm nước, sử dụng nước và sử dụng khoa học cách quản trị về tuần hoàn nước. Nhiều đại biểu nói rằng hiện nay đang sử dụng chưa hiệu quả nguồn nước và việc để tuần hoàn nước cũng chưa có được bao nhiêu.

“Trong luật khuyến khích việc sử dụng nước tuần hoàn hiệu quả nhất, phải có những chính sách để vừa giữ được nước, vừa tuần hoàn nước”, Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các nội dung liên quan đến phục hồi tài nguyên nước các đại biểu rất quan tâm.

“Tôi thấy các dòng sông mà chúng ta hay nói là “dòng sông chết” thì làm sao tạo được dòng chảy, làm sao chống được ô nhiễm môi trường. Các dòng sông và đặc biệt liên quan đến các địa phương, chúng ta sẽ cố gắng để cùng các địa phương, cùng các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, tác hại, phục hồi các tài nguyên nước”, ông Khánh cho hay, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các chức năng về phòng, chống, thoát lũ, chứa lũ để điều hòa chống úng, chống ngập đô thị, lũ ở các địa phương, ở các dòng sông.

Các đại biểu cũng nêu về điều hành, quản lý các lưu vực sông và đề nghị phải có chức năng, nhiệm vụ để có hiệu quả hơn. Về việc này, ông Khánh cho rằng, hiện chúng ta đang có Ủy ban Sông Mekong, nước của các dòng sông đi qua rất nhiều địa phương. Như vậy các địa phương cũng phải tham gia cùng để điều tiết các lưu vực sông này.

“Chưa nói đến chuyện chúng ta còn phải đối ngoại nữa. 60% nước của Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào và chúng ta cố gắng có những chức năng, nhiệm vụ và có sự phối hợp rất tốt giữa các địa phương và cơ quan trung ương. Nội dung này cũng xin được rà soát”, ông nói.

Bộ trưởng khẳng định, Luật sẽ cố gắng tách bạch vấn đề quản lý nhà nước. Ông cho biết, hiện vấn đề về nước nói chung thì Bộ TN&MT, còn Bộ Xây dựng đang quản lý nước sạch đô thị; với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp làm thế nào để quản lý và không để trùng lặp các nội dung.

“Có những luật như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Thủy lợi; Luật Lâm nghiệp, Luật Khoáng sản, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để làm thế nào các luật không chồng chéo và phân cấp, phân quyền đầy đủ, rõ ràng”, ông Khánh nêu rõ.

MỚI - NÓNG