Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đổi mới thi sẽ không đột ngột

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
TPO - “Tôi đảm bảo rằng, những ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình sẽ thuận lợi hơn”, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời trong chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời tối 24/8.

Trước câu hỏi liên quan Đề án Đổi mới toàn diện căn bản nền giáo dục, đặc biệt trong năm tới sẽ đổi mới về thi cử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu quan điểm: Phải thay đổi, nhưng có lộ trình và không đột ngột, không gây khó cho các cháu, không gây khó cho xã hội và làm từng bước, căn bản.

“Việc này đã triển khai và trong quá trình chỉ đạo dạy, học đã yêu cầu giảm tải, thay đổi nội dung, đặc biệt là cách thức thi kiểm tra trong quá trình học. Trên cơ sở chuẩn bị chu đáo như vậy, việc thi tốt nghiệp THPT trong năm 2014 vừa rồi đã có sự thay đổi lớn, thi tuyển sinh ĐH cũng đúng theo hướng kiểm tra năng lực, không kiểm tra kiến thức thụ động của học sinh", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Trước khi tổ chức, xã hội cũng có băn khoăn, nhưng qua thực tiễn cho thấy, các em đón nhận sự thay đổi của kỳ thi một cách nhẹ nhàng, dễ dàng. Thầy cô giáo cũng đón nhận phấn khởi và ý thức được rằng sẽ tiếp tục có thay đổi trong cách dạy, cách học trong những năm tới”.

Trước câu hỏi “những học sinh thi trượt tốt nghiệp và đại học năm trước, năm nay sẽ gặp khó khăn gì?”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Tất cả những thay đổi trong quá trình dạy và học kiểm tra đánh giá thi cử trong năm học, đặc biệt sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học, đều phải tính toán đến lợi ích của học sinh. Chúng ta tính toán đổi mới làm sao để các cháu phát triển thuận lợi, hoàn thiện hơn và không tạo “sốc”.

“Tôi đảm bảo rằng, những ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình là các cháu sẽ thuận lợi hơn. Trước kia, thi hai kỳ nhưng bây giờ thi một kỳ, bài làm theo hướng không phải học thuộc lòng mà là đánh giá nhận thức, tình cảm, ý thức đối với những vấn đề của đất nước, xã hội”, ông Luận cho biết thêm.

Cũng theo ông Luận, qua kỳ thi này, nhà trường sẽ có những đánh giá chính xác về năng lực của học sinh. Còn phần khó nếu có, nhà trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý phải đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu và phụ huynh học sinh, không để khó khăn trong cả quá trình học và thi cử.

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận chương trình và sách giáo khoa mà chúng ta đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy chú trọng truyền thụ kiến thức . Do cách thức thiết kế sách giáo khoa theo từng lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống.  Khi đó, việc không dễ hiểu và không tự học là chuyện bình thường. Do vậy, hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị đề án để Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Bộ GD&ĐT đã phân tích rất kỹ hạn chế trên và đi đến quyết định chiến lược là chuyển đến nền giáo dục chú trọng năng lực và phẩm chất, kiến thức, tri thức và việc truyền thụ tri thức cho học sinh được coi là nhiệm vụ số 1.

Việc truyền thụ đó là mục tiêu trung gian, thậm chí coi là công cụ để các cháu từng bước củng cố và nâng cao kỹ năng phẩm chất trong quá trình phát triển thành con người mới.

MỚI - NÓNG