Sáng 7/6, báo cáo trước khi nhận câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói đây là cơ hội quý báu để Bộ KH&CN rà soát lại việc triển khai các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Mở đầu phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, Bộ trưởng KH&CH nhận câu hỏi chất vấn cao kỷ lục, với 120 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đặt câu hỏi chất vấn: Thị trường KH&CN vẫn còn hạn chế, nguyên nhân vì sao? Giải pháp căn cơ gì để phát triển thị trường KH&CN?
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: QH |
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng KH&CN cho biết, trong 5 năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước, có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực?
“Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh của tổ quốc?", ông Vân đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, nhiều công nghệ mới, tiên tiến được triển khai mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, xây dựng, giao thông vận tải.
“Các ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Những kết quả trên là sự cố gắng từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”, ông nói.
Theo ông Đạt, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có những hạn chế, trong đó cơ chế chính sách chưa thực sự phát huy đối với các doanh nghiệp, các dịch vụ kết nối đi kèm chưa hiệu quả.
“Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hạn chế, đặc biệt là đối với công nghệ tiên tiến”, ông Đạt cho hay.
Trong thời gian tới, về cơ chế chính sách, ông Đạt cho biết, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Cơ quan này cũng sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh Như Ý |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng KH&CN cho biết, hoạt động KH&CN mang tính đặc thù, đi tìm những cái mới, có thể thành công, có thể thất bại. “Cho nên, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định”, Bộ trưởng nói.
Theo ông, điều quan trọng ở đây là làm sao chúng ta xác định được kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học và nó cũng đóng góp cho uy tín các viện nghiên cứu, các trường đại học.
“Chúng ta thấy, những kết quả nghiên cứu góp phần xếp hạng các trường đại học của chúng ta trong khu vực và quốc tế. Cụ thể 9 trường đại học của chúng ta đã được xếp hạng trong bản đồ khoa học trên thế giới. Đó là kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học của chúng ta”, ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Hiện nay, Nhà nước cũng có những cơ chế, chính sách để ngày càng nhiều nghiên cứu được chuyển giao từ nhà trường, viện nghiên cứu ra ngoài xã hội.
Tranh luận sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá, Bộ trưởng đã cầu thị, nhận ra công tác thống kê của ngành mình thế là chưa đạt.
Chia sẻ thêm, theo ông Vân, điểm kích nổ tạo ra sự bứt phá chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài KHCN mới có thể làm thay đổi diện mạo của KHCN Việt Nam.