Bộ trưởng Giao thông: TPHCM sẽ 'kẹt cứng' trong 5, 10 năm tới

Bộ trưởng Giao thông: TPHCM sẽ 'kẹt cứng' trong 5, 10 năm tới
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhận xét nếu hệ thống giao thông đô thị, giao thông kết nối liên vùng không được cải thiện, thì chỉ trong 5 -10 năm tới, tình trạng kẹt xe tại TPHCM sẽ hết sức nghiêm trọng.

Chiều 3/8, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị phối hợp công tác giữa TPHCM và Bộ GTVT. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.

Theo giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trung bình hàng ngày có khoảng 200.000 lượt hành khách vào ra sân bay. Theo ước tính hàng ngày cần khoảng trên 6.500 lượt xe taxi và các hãng xe hợp đồng là 1.000 lượt để trung chuyển khách.

Vào dịp cuối năm, lễ, Tết, nhu cầu chuyển hàng hóa cũng như hành khách luôn tăng cao đột biến.

Bộ trưởng Giao thông: TPHCM sẽ 'kẹt cứng' trong 5, 10 năm tới ảnh 1 Gíam đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết TPHCM hiện có 34 điểm ùn tắc giao thông

Trong khi đó Cảng Cát Lái là nơi tập trung hơn 70% lượng container xuất, nhập của cả nước. Lượng xe container ra vào cảng Cát Lái quá lớn (hiện nay bình quân khoảng 22.000 xe/ngày.đêm; cá biệt có thời điểm lên đến 23.500 xe/ngày.đêm) khiến các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (chỉ có 2 làn xe ô tô và 1 làn xe môtô cho 1 chiều lưu thông) thường xuyên bị quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

“Mặc dù có nhiều cổng ra vào cảng khác nhau nhưng do các tuyến đường ra vào cảng là độc đạo (đường Nguyễn Thị Định), các hướng lưu thông trong khu vực đều phải qua vòng xoay Mỹ Thủy nên ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm”, ông Cường cho hay.

Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM nói tốc độ xe trung bình khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm sáng hiện chỉ còn 20,7km/h và giờ cao điểm chiều là 19,3km/h. Riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tốc độ xe vào giờ cao điểm buổi sáng là 22,3km/h, giờ cao điểm chiều là 20,3km/h. Khu vực cảng Cát Lái tốc độ xe vào giờ cao điểm sáng là 30,0km/h, giờ cao điểm chiều 29,0km/h.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, nhiệm kỳ này TPHCM đề ra mục tiêu xây mới 172 km đường giao thông nhưng đến nay, sau nửa nhiệm kỳ mới đạt 37%.

“Nút giao An Phú là điểm nghẽn gây ùn tắc giao thông, chủ yếu là xe tải lớn từ cầu phú mỹ qua cảng Hiệp Phước, Cát Lái, ảnh hưởng đến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây”, ông Phong cho hay

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết chỉ tính riêng công ty Pou Yen, với 95.000 công nhân, trong đó 2/3 công nhân sống ở Tiền Giang, Long An và 1/3 số công nhân lưu trú ở Bình Tân, Bình Chánh, hàng ngày công ty này phải huy động hàng trăm xe đưa đón.

“Quận Bình Tân đăng ký hộ khẩu chỉ 350.000 người nhưng số dân thực tế đang sinh sống, làm việc là 750.000 người”, ông Phong cho biết.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá đô thị ở TPHCM ngày càng mở rộng, hệ thống giao thông như hiện nay nếu cứ kéo dài thì có thể sẽ trở thành điểm nghẽn lớn nhất.

Ông Thể cho biết trong khi TP Hà Nội hệ thống đường cao tốc kết nối các tỉnh đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh thì TPHCM mới có hai tuyến cao tốc gồm TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (nối TPHCM các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên) và TPHCM – Trung Lương (nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL).

Cả hai tuyến cao tốc đã bắt đầu quá tải, trong khi các tuyến đường quốc lộ kết nối liên vùng như QL 1, QL 13 QL22, QL 50,… thường xuyên kẹt xe.

Bộ trưởng Giao thông: TPHCM sẽ 'kẹt cứng' trong 5, 10 năm tới ảnh 2 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá nếu không có đột phá về hạ tầng, 5 -10 năm tới TPHCM sẽ kẹt cứng 

“Nếu dựa vào hệ thống giao thông như hiện nay thì 5-10 năm nữa TPHCM sẽ kẹt cứng. TPHCM hiện nay rất chật chội, nếu đường sắt kết nối TPHCM với Cần Thơ thì công nhân buổi  sáng từ Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An… lên TPHCM làm việc rồi có thể đi tàu về trong ngày. Thời gian di chuyển chỉ mất 1 tiếng”, ông Thể nhận xét.

Theo ông Bùi Xuân Cường, đường vành đai 2 TPHCM vẫn còn một số đoạn tuyến chưa khép kín (thuộc quận 9, quận Thủ Đức), trước mắt TPHCM phải mượn đường của Khu công nghệ cao để kết nối.

Riêng tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 thì gần như chưa được đầu tư.

“Vừa qua, Quốc hội có Nghị quyết 54 cho phép TPHCM thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhưng Nghị quyết này đang vướng quy định của Luật Ngân sách”, ông Cường cho biết.

MỚI - NÓNG