Hệ thống đường thủy rất tốt thì chưa khai thác hiệu quả
Chiều 22/3, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa diễn ra tại TPHCM, do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng gợi ý một số vấn đề mà ông nói rằng Bộ “rất trăn trở”, bên cạnh mục tiêu cải thiện thị phần, giảm phát thải khí thải.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. |
“Việt Nam ta có được ưu thế trời cho là bờ biển rất dài, hệ thống đường thủy nội trải dài ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tuy vậy, thị phần đường bộ chiếm 80% hàng hoá và gần 100% hành khách. Trong khi hệ thống đường thuỷ, hàng hải rất tốt thì chưa khai thác hiệu quả.” - ông Thắng nói.
Trình bày khó khăn của doanh nghiệp trong việc đầu tư tàu, ông Vũ Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An - bày tỏ người trong ngành rất tự hào khi Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, “thực trạng đáng buồn là Việt Nam có 1015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít, chỉ 48 tàu”. Trong khi đó, vốn đầu tư tàu hiện nay lớn, lãi suất vay ngân hàng cao dẫn đến chi phí lãi vay lớn.
Ông Hải đưa ra giả định, cỡ tàu 1.800 TEU đóng mới vay 50% từ ngân hàng với thời gian vay là 96 tháng thì chi phí lãi vay là 20% tổng chi phí đầu tư. Cùng với đó, chi phí VAT nhập khẩu tàu hiện tại là 10%, giá mua tàu làm gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Từ đó, ông Hải đề xuất Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container, miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container, miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê hoặc thuê mua container.
Đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư tàu
Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam - đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.
Theo ông Liêm, phương tiện vận tải đường thuỷ kinh doanh chuyên nghiệp chưa cao, kinh doanh không thường xuyên. Ba năm gần đây, do nhu cầu và để bù đắp cho các chi phí không chính thức, đa số phương tiện đóng mới hoán cải đều tăng trọng tải lên 1,5-2 lần, tải trọng bình quân lên 1.000TEU/chiếc.
Tuy vậy, đa số phương tiện vận tải lẻ, công ty tư nhân chỉ có số lượng 2-3 sà lan. Các sà lan này đông nhưng hoạt động manh mún, không đủ khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, các phương tiện này lại tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí, trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đường thủy nội địa.
Một góc cảng Cát Lái (TPHCM). Ảnh: Phạm Nguyễn |
Từ thực tế trên, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp.
"Hiện quy định doanh nghiệp đầu tư vốn 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp" - ông Liêm nói.
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp hàng hải cũng nêu ý kiến về các vấn đề như kết nối cảng, đường thủy nội địa, bến thủy nội địa với các đường bộ, luồng lạch...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cục, vụ khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh...
Song song đó, cần rà soát các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Trong đó, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, qua đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam với khu vực và thế giới.
"Tôi yêu cầu các đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói rõ.