“Tôi cũng buồn chứ !”
Trò chuyện với chúng tôi, Bộ trưởng Nhạ chủ động nêu lại những vụ việc “nóng” gần đây gây sự chú ý của dư luận như tiêu cực thi cử, bạo hành học đường… Ông trải lòng:Sau những chuyện xảy ra trong năm qua, mình cũng buồn chứ. Nhưng nếu Bộ trưởng cứ sa vào vụ việc, nay vụ này, mai vụ khác thì còn thời gian đâu lo việc lớn hơn. Một vườn rau có sâu, đương nhiên phải loại bỏ chúng. Nhưng nếu cứ chỉ chăm chăm bàn về sâu thì rau làm sao tốt được. Phải tập trung vào rau, rau tốt ắt sâu sẽ bớt đi.
Khi về làm Bộ trưởng, khó khăn của tôi, đó là việc nhiều thứ trưởng, vụ trưởng vừa về hưu hoặc sắp về hưu. Muốn đổi mới giáo dục thì cần đổi mới ngay trong tòa nhà 35 Đại Cồ Việt trước. Tôi sẵn sàng đổi mới. Đó là động lực nhưng cũng là áp lực đối với tôi. Áp lực là giải quyết những vấn đề mà người dân, gia đình và xã hội đòi hỏi.
Chưa bao giờ tôi có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Có thể nói tôi phải “ôm” từ mầm non đến ĐH. Nhưng chính vì thế mà tôi biết và hiểu được mọi vấn đề của ngành. Chương trình giáo dục phổ thông tôi trực tiếp tham gia ngay từ đầu. Nhưng để ban hành được cũng không dễ… Chương trình vừa được công bố coi như thành công bước đầu. Tuy nhiên, cũng vẫn không vui. Vui làm sao được khi việc của giáo viên vẫn nhiều, lương không tăng, yêu cầu của xã hội lại ngày một cao.
“Ăn thua nhau ở giáo dục ĐH”
Là người đứng đầu, theo ông, nên bắt đầu từ đâu để có một nền giáo dục như mong muốn?
Hình dung giáo dục giống như một căn nhà. Chúng ta đã có nền móng là những gì đang có. Thế nên, không phải là đập đi xây lại mà là cải tạo căn bản. Một mặt củng cố móng, mặt khác chuẩn chỉ ngay các tầng. Tức là cần chỉnh trang, gia cố và trùng tu một chút những thứ yếu kém.
Tầng đầu tiên là tầng mầm non, có hai điểm phải chỉnh trang. Đó là chuẩn chỉnh lại mạng lưới trường lớp theo nghĩa rộng. Thứ hai là đội ngũ giáo viên, bậc học này vừa thiếu, vừa yếu. Do đó, với tầng 1, phải quy hoạch ô thừa cho gọn gàng, không dồn dịch vào một chỗ quá đông, tránh xảy ra những chuyện như vừa qua.
Phẩm chất của giáo viên là chia sẻ và kiên trì. Giáo viên chỉ giỏi chuyên môn chưa hẳn đã là tốt. Những thầy cô không được đào tạo sư phạm tốt thường đánh giá học sinh bằng điểm số. Đấy là gốc gác của bệnh thành tích. Vấn đề sư phạm giáo dục là đáng lo lắng, tôi đang phải làm. Đã làm giáo dục thì nền tảng là tâm lý giáo dục. Chính vì vậy, tôi đã cho dừng việc tuyển giáo viên văn bằng khác nhưng có chứng chỉ sư phạm vào giảng dạy.
Đối với giáo dục phổ thông, tôi cho rằng trọng tâm là thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình vừa được ban hành sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Nhưng có mấy điểm cần tập trung: Quy hoạch mạng lưới trường lớp; Đội ngũ giáo viên.
Tầng 3, giáo dục ĐH, có thể nói là tầng quan trọng nhất, tầng “đón khách”, là “bộ mặt” của giáo dục Việt Nam với thế giới. Giáo dục ĐH phải rất thực tế, chất lượng, trao thực quyền cho chủ tịch hội đồng trường.
Tầng mầm non khó làm, tầng phổ thông rất nhạy cảm. Từ mầm non đến phổ thông là nền móng, nên “ăn thua” nhau ở giáo dục giáo dục ĐH.
Nhưng nhiệm kỳ của ông đã trôi qua một nửa rồi, vậy trong ngôi nhà giáo dục mà ông muốn chỉnh trang đó, tầng nào ông sẽ ưu tiên để tạo ra hiệu quả nhanh và rõ rệt nhất?
Tầng mà tôi nhấn mạnh là giáo dục ĐH. Ba trụ cột của giáo dục ĐH vừa qua đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thực hiện. Thứ nhất là tự chủ chương trình, thứ hai là tự chủ nhân lực, thứ ba là tự chủ tài chính. Ba trụ cột này sẽ là động lực để các trường ĐH Việt Nam thời gian tới tăng tốc.
Phải nói thật, thời gian qua, Bộ phải khắc phục hậu quả vô cùng lớn của tình trạng mở trường tràn lan. Có những trường chỉ có tên, một tờ giấy A4. Tôi tin rằng khi các trường có chất lượng thì không ngại điều chỉnh. Còn bây giờ đang “tối sáng nhập nhèm” nên phải siết chất lượng. Thời gian tới, những trường yếu kém sẽ phải giải thể hoặc sáp nhập với các trường tốt để phát triển.
“Tôi tin rằng giáo dục sẽ khởi sắc”
Thời gian qua, giáo dục có rất nhiều vụ việc, từ bạo lực học đường đến tiêu cực thi cử. Năm 2019, ông có giải pháp cụ thể nào để giải quyết những vấn đề này?
Ảnh: Ngọc Châu
Những vấn đề diễn ra năm 2018 đã được nói nhiều. Tôi là người không quên quá khứ nhưng luôn coi trọng hiện tại để hành động. Năm 2019, tôi sẽ dành nhiều thời gian để bàn về chiến lược giáo dục. Tôi tin rằng giáo dục sẽ khởi sắc. Vì những gì tôi chuẩn bị thời gian qua bắt đầu có kết quả.
Khi mới nhận nhiệm vụ tại Bộ GD&ĐT, ban đầu, tôi cũng nhờ các chuyên gia tâm huyết xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục. Một thời gian, tôi thấy cách tiếp cận như vậy chưa đúng nên đã thay đổi. Nếu xây dựng một chiến lược mà không chú trọng tổng kết thực tiễn, không tính đến yếu tố tác động có tính chất dự báo thì nhiều khi có cũng như không. Có nhiều chiến lược chỉ nằm trên giấy là vì không có thực tiễn.
Nhiều vấn đề xảy ra thời gian qua trong giáo dục là sự tích đọng từ rất lâu. So với một nhiệm kỳ thì ngắn thật, nhưng sự nghiệp giáo dục đâu phải chỉ một vài năm. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, tổng kết, nhìn nhận. Tôi đã có sự chuẩn bị. Từ bậc mầm non cho đến giáo dục ĐH, tôi đã làm rất kỹ với Ngân hàng thế giới để xây dựng kế hoạch tổng thể cho 10 năm tới. Với cách tiếp cận như thế tôi mới thấy tại sao đổi mới của chúng ta không bền hơi. Vì thiếu một yếu tố quan trọng đó là nghiên cứu cơ bản, dự báo, đánh giá thực chất hiện trạng đặt trong bối cảnh hội nhập, thiếu sự tham gia của các chuyên gia giáo dục.
Xưa nay, đứng trước chính sách nào Bộ cũng hội thảo, thậm chí là xin ý kiến chuyên gia, nhưng thực tế, không hiệu quả nhiều. Vì có gieo có gặt. Muốn có luận cứ để đổi mới giáo dục thì phải có nghiên cứu, phải đặt bài. Hiện nay, có khoảng 39 đề tài cấp nhà nước trải rộng mọi lĩnh vực giáo dục. Tới đây sẽ có kết quả. Như vậy, giống như căn nhà, muốn các phòng tốt, đẹp thì móng phải bền. Còn nếu cứ làm dựa theo kinh nghiệm rồi mỗi người thêm thắt một chút thì thành chắp vá. Nếu cho tôi một cái nhà cũ, rồi bên cạnh đó, xây một cái nhà mới, đến giờ đẹp chuyển sang ở thì lại khác. Còn thực tế, với giáo dục vừa làm mới, vừa sửa cũ nên khác lắm.
Quả là ngành giáo dục còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, liệu ông có chùn bước?
Đúng là có nhiều khó khăn, áp lực. Nhưng với tôi, lo lắng thì có nhưng chùn bước thì không. Nếu chùn bước tôi đã không làm bộ trưởng. Nhiệm vụ đã được Chính phủ, Trung ương phân công, chỗ nào chưa chuẩn thì phải chỉnh. Phát triển là một quá trình, không thể cắt khúc ra để nhìn nhận. Giáo dục cũng thế, phải có niềm tin thì mới thành công.
Với giáo dục, mọi đổi mới phải diễn ra từ từ, đồng thuận. Tôi đã nắm được “bệnh” để điều trị. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên là điều kiện then chốt để thực hiện. Thành bại đổi mới hay không là ở hiệu trưởng. Nếu chỉ chăm chăm đổi mới giáo viên nhưng hiệu trưởng vẫn bình chân như vại thì không đổi mới được. Cần bồi dưỡng cấp tốc hiệu trưởng để họ ngấm được tư duy đổi mới của chương trình. Nếu chỉ chú trọng giáo viên mà không chú trọng hiệu trưởng là không đúng. Ở đâu có hiệu trưởng giỏi thì ở đó có trường tốt.
Với giáo viên, cũng cần phải có những điều chỉnh hợp lý. Có thời chúng ta tuyển giáo viên là những người học ngành khác có chứng chỉ sư phạm. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ có giải pháp để phân loại giáo viên trước khi tập huấn, bồi dưỡng.
Tiếp cận chuẩn giáo viên phải từ gốc là sư phạm. Năm 2019 sẽ sắp xếp lại trường sư phạm, gắn trường sư phạm với phổ thông, coi đào tạo sư phạm như đào tạo Y khoa. Việc này trong tầm tay của Bộ GD&ĐT.
Vấn đề thừa thiếu giáo viên, hiện đang lùng bùng trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT, địa phương, Bộ Nội vụ. Tới đây sẽ phải minh bạch. Áp dụng phần mềm thống kê, thừa thiếu sẽ nhìn thấy ngay, chất lượng như thế nào cũng thấy rõ. Bộ sẽ công bố công khai.
Xin cảm ơn ông!
“Chỉ nhìn vào mấy chục em học sinh giỏi được giải quốc tế rồi ngợi ca tít mù là không đúng. Bên cạnh giáo dục tinh hoa, giáo dục cho số đông mới là mục tiêu quan trọng nhất. Con người có tử tế hay không, biết cách thoát nghèo hay không, tất cả cũng từ giáo dục mà nên”. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ