Bộ trưởng GD&ĐT kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan quan tâm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo đúng tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc”.

Gần 20 triệu học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Bộ trưởng GD&ĐT kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ? ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các thầy, cô giáo (ảnh Nhật Minh)

Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Bộ trưởng GD&ĐT kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ? ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt

Theo Bộ trưởng, các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại diện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước. Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam”.

“Kiếp tằm phải trả nợ dâu”

Tại cuộc gặp mặt, cô Lê Thị Xuân Diễm, Trường THPT Lê Quý Đôn (Bến Tre) bày tỏ, bản thân luôn tự nhủ rằng “kiếp tằm phải trả nợ dâu”. “Tôi biết ơn xã hội, biết ơn phụ huynh và học sinh vẫn luôn tôn vinh nghề giáo, vẫn gửi vào chúng ta niềm tin. Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vì thế chúng ta hãy cùng nhau cố gắng và phải càng cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. Hãy lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu. Chỉ có chất lượng, hiệu quả giáo dục mới khẳng định được vị thế của ngành giáo dục”, cô Diễm tâm sự.

Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, huyện Tân Phú (TP.HCM) cho biết, thời gian vừa qua, thành phố đã có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Có những em mất cả cha lẫn mẹ, cũng có những em hoàn cảnh vô cùng nghèo.

Trong hoàn cảnh đó, các thầy cô tự nhủ bằng mọi giá phải tạo điều kiện cho các em được học, các nhà giáo đã cùng nhau ủng hộ cơ sở vật chất để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngành giáo dục thành phố cũng hỗ trợ thiết bị để cho các em học.

Theo cô Phượng, trong thời điểm đầu của thời gian giãn cách xã hội, việc đem sách, thiết bị tới cho các em rất khó khăn. Nhưng tới thời điểm hiện tại, các em được tham gia học trực tuyến. Các thầy cô cũng mày mò, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, để công tác dạy và học duy trì hiệu quả nhất có thể.

“Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản vượt qua khó khăn, giúp các em học sinh thực hiện tốt việc học, góp phần thực hiện mục tiêu “trồng người” của ngành và cả nước”, cô Phượng cho biết.

Bộ trưởng GD&ĐT kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ? ảnh 3

Cô Nguyễn Thị Duyên, Giáo viên trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh)

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Duyên, Giáo viên trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) bày tỏ mong muốn có thêm những chính sách thu hút nhân tài vào ngành sư phạm. Thực tế những học sinh giỏi của bậc THPT không lựa chọn vào sư phạm ngoại trừ những học sinh có đam mê với nghề giáo. Do đó, cần có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm và giáo viên trẻ có năng lực.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.