Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cải cách tiền lương từ 1/7/2024, lương hưu sẽ áp dụng 'mức cao nhất có thể'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Khi cải cách tiền lương từ 1/7 đối với công nhân viên chức, cũng áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể", theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

“Không có phương án nào khác"

Chiều 27/5, báo cáo giải trình, tiếp thu cuối phiên thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH của chúng ta còn quá non trẻ so với các nước, chỉ với 29 năm, trong khi các nước đã có hàng trăm năm. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều loại hình BHXH của chúng ta đã phát triển tốt, với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo ông Dung, hưởng (rút) BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm nhất, cũng là vấn đề phức tạp cần xử lý. Cơ sở đã có là Nghị quyết 28 của Trung ương, mục tiêu vừa đảm bảo an sinh xã hội, để khi về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế, nhưng cũng phải quan tâm đến hiện tại của người lao động, do kinh tế khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cải cách tiền lương từ 1/7/2024, lương hưu sẽ áp dụng 'mức cao nhất có thể' ảnh 1

Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Như Ý

Với mục tiêu như vậy, vì sao phải thiết kế điều này? Ông Dung nói, các nước không quy định, nhưng ở chúng ta, việc này do xuất phát từ chính nhu cầu của người lao động. Chúng ta vẫn duy trì, nhưng trên cơ sở phải tính toán để đạt được hai mục tiêu như trên.

Bộ trưởng Dung thông tin, đến 25/5, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến và thấy “không có phương án nào khác”. Có ý kiến đề nghị tích hợp cả hai phương án, nhưng nếu cộng vào như vậy lại chỉ “cộng nhược điểm hơn là ưu điểm”. Nên Chính phủ đề xuất cho lựa chọn một trong hai phương án Chính phủ trình.

Mặt khác, để hạn chế rút BHXH một lần, theo ông, có nhiều giải pháp, như chính sách tín dụng, cho vay không lãi, dứt khoát phải có, nhưng không đưa vào luật này, mà bố trí vào các nghị định khác, luật khác.

Lương hưu sẽ áp dụng ở mức cao nhất có thể

Trước băn khoăn về việc bỏ khái niệm “mức lương hưu thấp nhất”, Bộ trưởng giải thích, mức này chỉ đúng ở thời điểm nhất định. Việc bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia BHXH ở mức thấp hơn. “Đóng thấp hưởng thấp, nhưng thấp còn hơn không, điều quan trọng là có bảo hiểm y tế”, ông nói.

Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024, theo ông Dung, cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, nhưng lần này đã có. Đây cũng là vấn đề mới, phức tạp, cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm, nên phải xác định được vị trí việc làm. Trong khi đó, vị trí việc làm phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài và thường xuyên.

Ông Dung cũng cho rằng, quy định mức tham chiếu thay mức lương cơ sở, bản chất không có vấn đề gì. Nếu cần thiết, mức lương cơ sở 1,8 triệu hiện nay vẫn áp dụng được. Nhưng nếu đến năm 2026 bỏ mức lương cơ sở, thì lấy gì thay thế? Do vậy theo ông, đây không phải là vấn đề lớn.

Đối với vấn đề hưu trí, ông Dũng nói, Thường trực Chính phủ đã họp và Bộ đề xuất người hưởng lương hưu từ 1/7 – khi cải cách tiền lương với công nhân viên chức, thì cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể.

"Có thể 6 tháng cuối năm nay và đầu năm 2025 chúng ta cân bằng quỹ, chứ không có kết dư. Chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí", ông Dung khẳng định.

MỚI - NÓNG