Bộ trưởng Công thương muốn tăng 1.000 cán bộ quản lý thị trường

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (đứng) trong phiên giải trình sáng 7/1. Ảnh: N.Hưng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (đứng) trong phiên giải trình sáng 7/1. Ảnh: N.Hưng.
Cho rằng 5.200 cán bộ quản lý thị trường cả nước là quá mỏng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị tăng thêm 1.000 người. Tuy nhiên, vị Bộ trưởng không đưa ra kế hoạch cụ thể cho hoạt động của lực lượng.

Thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại nhiều năm nay một lần nữa nóng lên bởi các câu hỏi của đại biểu tại phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng 7/1.

Không ngần ngại nêu thẳng tác hại “phá hoại nền kinh tế”, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, hệ quả nghiêm trọng của thực trạng này chưa đánh giá hết. Ông đề nghị Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (Trưởng ban Chỉ đạo 127) làm rõ có hay không tiêu cực trong nội bộ những người chống tiêu cực - nguyên nhân, nguồn gốc của vấn đề chứ không phải do cơ chế, phương tiện.

Vị đại biểu nổi tiếng với những chất vấn gai góc cũng bày tỏ quan điểm không tán thành biện pháp chủ yếu bắt, rượt đuổi người làm thuê chở hàng lậu mà bỏ qua các đầu nậu, chủ hàng.

“Mang vác mang vũ khí qua biên giới thì trong vòng 24 giờ là lực lực lượng an ninh bắt ngay được ai là chủ mưu. Cách đặt vấn đề không nghiêm trọng nên mới để tình trạng này tồn tại. Không đánh từ gốc, mà cứ bắt ngọn làm sao giải quyết được?”, ông Lịch nêu câu hỏi.

Chia sẻ quan điểm với đại biểu Trần Du Lịch, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, việc ở đâu cũng mua được hàng lậu, hàng giả; tư thương buôn bán ngang nhiên từ cây kim, sợi chỉ đến các mặt hàng gia dụng, cồng kềnh… nói lên sự thờ ơ, bất lực của cơ quan chức năng. “Liệu có tiêu cực trong lực lượng quản lý thị trường?”, đại biểu Cương nghi ngờ. Ông đề nghị thực thi những biện pháp mạnh như điều chuyển, cách chức cán bộ bảo kê, làm ngơ cho buôn lậu.

Đại biểu Đỗ Văn Đương thì cho biết ông nhận được khiếu nại tố cáo lực lượng quản lý thị trường bao che, tiếp tay cho buôn lậu khiến hàng giả, nhái tràn lan. Với con số trên 5.000 người, đại biểu Đương đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời về hiệu quả làm việc của đội ngũ ngày.

Thừa nhận có tiêu cực trong các lực lượng chống buôn lậu, quản lý thị trường song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định “chỉ là thiểu số”. Trước sự thiếu hài lòng của đại biểu về hiệu quả hoạt động, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn là lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, bình quân chưa tới 100 người mỗi tỉnh.

“Nhiều tỉnh chỉ có 50 - 60 người, rất mỏng so với yêu cầu phức tạp của mặt trận này”, Bộ trưởng Công thương nói. Ông cho biết thêm, trước mắt sẽ đề nghị Chính phủ tăng thêm khoảng 1.000 người ở các địa bàn trọng điểm.

Đại biểu Trần Du Lịch lập tức đề nghị nêu kế hoạch đầu tư cụ thể, nếu đầu tư thì có khẳng định sẽ làm việc đạt yêu cầu hay không, bên cạnh đó là các biện pháp thanh tra, phát hiệu tiêu cực.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dù tình hình buôn lậu phức tạp, có tác động tiêu cực nhưng nhìn toàn diện thì sản xuất trong nước vẫn đủ sức áp đảo. “Ví dụ mặt hàng phân bón, tổng mức tiêu thụ 7 - 8 triệu tấn, hàng lậu chỉ vài chục nghìn tấn hay mấy trăm nghìn con gia cầm không thể so với hàng chục triệu con nuôi ở trong nước”, ông Hoàng nói.

Về công tác thanh tra, phát hiệu tiêu cực, năm 2012 và nửa đầu 2013, 45 cán bộ quản lý thị trường đã bị xử lý; trong đó cách chức 2, buộc thôi việc 4 và cảnh cáo 39 người. Công tác luân chuyển cán bộ, thanh tra nội bộ được tiến hành thường xuyên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng không đưa ra kế hoạch hay cam kết cụ thể về hiệu quả của lực lượng trong thời gian tới.

Buổi giải trình cũng ghi nhận sự không hài lòng của nhiều đại biểu trước kết quả hoạt động của lực lượng liên ngành. Theo đại biểu Nguyễn Thế Trường (Trưởng đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc), 5 cơ quan có thẩm quyền xử phạt hàng giả, hàng lậu - “lực lượng hoành tráng, hùng mạnh" - nhưng hoạt động lại rời rạc, chức năng nhiệm vụ chồng chéo.

Tham gia giải trình, trung tướng Nguyễn Tiến Lực (Phó tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm, Bộ Công an) nêu một số khó khăn trong công tác xử lý. Theo ông, quy định pháp lý chưa đủ răn đe khi chỉ xử phạt người buôn bán hàng lậu 300.000 đến 10 triệu đồng, không tương xứng với giá trị hàng chục tỷ đồng của lô hàng.

Để xử lý hình sự các đầu nậu cũng rất khó khi phải chứng minh lô hàng được buôn lậu qua biên giới. Trong khi đó, các chủ hàng bị bắt đều khai là hàng hóa mua gom ở chợ qua từng người dân biên giới - việc được pháp luật cho phép (mỗi người dân vùng biên được mua 2 triệu đồng hàng hóa mỗi ngày bên kia biên giới). “Tháng vừa rồi chúng tôi bắt 13 vụ, có vụ tiền tỷ nhưng không xử lý được. Tôi đề nghị có quy định nếu là hàng nước ngoài mà không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ là xử lý”, vị Phó tổng cục trưởng nói.

Theo Nguyễn Hưng

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG