Bộ trưởng Công an trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu

TPO - Chiều 22/10, Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - thay mặt Chính phủ đã trình ra Quốc hội tờ trình về dự án Luật Dữ liệu.

4 mục đích ban hành luật

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Công an trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu ảnh 1

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Như Ý.

Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết.

Theo Bộ trưởng Công an, dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu…

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh 4 mục đích ban hành luật này. Cụ thể gồm: tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia

Ông Quang cho biết, việc bảo đảm nguồn nhân lực trong triển khai thi hành Luật Dữ liệu cơ bản là đội ngũ những người làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu hiện có của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Dự án Luật không quy định về biên chế, tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia mà giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung tâm dữ liệu quốc gia. Theo Bộ trưởng, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.

Trung tâm dữ liệu quốc gia 20.000 tỷ đồng

Về tài chính, Bộ trưởng cho rằng, việc bảo đảm nguồn lực triển khai thi hành Luật về cơ bản do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn thu từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nên không làm phát sinh đột biến chi ngân sách nhà nước (dự kiến chi phí xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong giai đoạn 1 (đến năm 2025) khoảng 20.000 tỷ đồng).

Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1, căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, việc triển khai thi hành Luật là hoàn toàn khả thi.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu.

Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.

Có ý kiến đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch...

Dự án này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 24/10.

MỚI - NÓNG