Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố Hà Nội luôn quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ cho lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua (đã cập nhật điều chỉnh tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 12-2022); trong đó, ngân sách thành phố đã dự kiến cân đối 6.149,47 tỷ đồng (chiếm 5,3% kế hoạch vốn dự án xây dựng cơ bản tập trung ngân sách thành phố) để hỗ trợ đầu tư 42 dự án xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và 1 đề án xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị đối với Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND thành phố, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, qua 2 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an T.Ư và Thành ủy Hà Nội, kết quả bước đầu đã đáp ứng yêu cầu đề ra.
Ông Dũng khẳng định, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư, trong đó có Đảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an, thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV. |
Nêu kiến nghị với Bộ Công an, ông Dũng cho biết, với định hướng phát triển thành phố Hà Nội “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, sẽ có rất nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết, cần Bộ Công an trực tiếp tham gia, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp, vào cuộc với các cấp ủy, chính quyền của thành phố thực hiện, như: Công tác cải tạo chung cư cũ; các dự án trọng điểm chậm triển khai trên địa bàn; thực hiện đề án quản lý tài sản công; phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính…
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ổn định về tư tưởng cho cán bộ các cấp quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong muốn Hà Nội sớm có quy hoạch tổng thể chung để phát triển Thủ đô, với giải pháp cụ thể nhằm giải bài toán dân số tập trung ở nội đô, mở ra không gian phát triển mới.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV |
Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc Hà Nội cần duy trì trật tự đô thị; lưu ý về tầm quan trọng của quy hoạch để giảm mật độ dân số cũng như tăng các tiện ích giao thông, dịch vụ... phục vụ người dân, du khách.
Bộ trưởng Lâm tin tưởng Hà Nội sẽ triển khai mẫu mực Đề án 06 của Chính phủ; đề nghị Công an thành phố nỗ lực từ nay đến ngày 30/7/2023, cấp được hết căn cước công dân gắn chíp cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
"Từ đó, để người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chíp thực hiện các giao dịch, bỏ được những giấy tờ khác", Bộ trưởng Công an nói và cho biết đã trao đổi với các bộ, ngành về việc một số thủ tục có thể loại bỏ để mang lại thêm nhiều tiện ích phục vụ nhân dân từ Đề án 06…
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch và quan điểm quản lý đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ dành nguồn lực phối hợp các bộ, ngành thay đổi phương thức quản trị hành chính, từ đó tác động, thay đổi phương thức quản trị xã hội trên địa bàn Thủ đô.