“Đừng để cán bộ y tế đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng sức khoẻ của mình để họ có thể chăm sóc, cứu chữa người bệnh nói chung và kể cả cứu chữa những người nhà của những đối tượng đang hành hung họ”- Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hành hung cán bộ y tế và cán bộ đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng Luật hình sự đã được điều chỉnh sửa đổi trong năm 2017.
"Bộ Y tế đã có nhiều văn bản cũng như nội dung ký kết với Bộ Công an về việc phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên sắp tới chúng tôi nghĩ giải pháp cụ thể, thiết thực nhất là đề nghị giữa các đơn vị y tế, Sở Y tế phối hợp với công an các tỉnh ký cam kết phối hợp, lập đường dây nóng để gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện.
Thứ hai, hành hung cán bộ y tế là hiện tượng có tính chất lan rộng và tăng nhanh trong thời gian gần đây. Chúng tôi cũng mong muốn lực lượng công an ở các địa bàn cắm chốt tại các bệnh viện sở tại và có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và lực lượng công an.
Thứ ba, các bệnh viện cần lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi các hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, những việc làm này cần làm quyết liệt, và các đối tượng gây ra hành hung với nhân viên y tế cần được điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi hành hung cán bộ nhân viên y tế. Điển hình như vụ hành hung bác sĩ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, người hành hung đã bị phạt 9 tháng tù giam. Ngoài ra một số vụ việc khác cũng đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan tới việc các giải pháp hiện có để ngăn chặn bạo hành bác sĩ chưa thực sự hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng: Nếu làm đúng các giải pháp mà ngành Y tế đã đề ra, thì thực sự các biện pháp sẽ đạt hiệu quả rõ.
Đơn cử, tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), có đường dây nóng 113, lực lượng công an mặc quân phục, cắm chốt, tuần tra trong Bệnh viện. Hay ở Ninh Bình, Sở Y tế tỉnh này đã ký kết, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để đảm bảo an ninh. Bộ trưởng cho hay, các biện pháp này được làm bài bản, đồng bộ nên rất hiệu quả, tính răn đe rất cao.
"Nếu để riêng lực lượng bảo vệ bệnh viện thì khó có tác dụng mạnh mẽ. Khi xảy ra sự việc, chính quyền, công an phương có khi không đến kịp để ngăn chặn, vậy nên cần có công an cơ động, lực lượng công an cắm chốt tại viện, rà soát, tuần tra, nhất là các khu vực nóng (như khám bệnh, cấp cứu...)" - Bộ trưởng cho biết.
Có ý kiến cho rằng việc bác sĩ bị hành hung thời gian qua xuất phát nguyên nhân từ hai phía: Người nhà bệnh nhân - bác sĩ, trong đó, có thái độ chưa đúng mực của nhân viên y tế. Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, từ trước tới nay, dù trong hoàn cảnh nào, hành hung người đang thi hành công vụ, đặc biệt là đang chăm sóc người nhà cho mình là sai và phải xử lý. "Nếu nhân viên y tế có thái độ, hành vi chưa phù hợp, đó là câu chuyện của vấn đề đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của ngành y. Còn nếu đưa ra khái niệm này là chúng ta đồng tình, bênh vực, chia sẻ với những người vi phạm luật hình sự”- Bộ trưởng khẳng định.