Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: ‘Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật phải bằng trái tim và lương tâm’

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung căn dặn người làm công việc nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật phải bằng trái tim và lương tâm. Chỉ làm vì đồng tiền dễ biến cơ sở chăm nuôi trẻ thành nơi tiêu cực.

Giữa tháng 12, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến thăm, làm việc với 3 trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ, gồm: Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì (Phú Thọ), Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội), Trung tâm quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tại Sơn Tây (Hà Nội).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: ‘Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật phải bằng trái tim và lương tâm’ ảnh 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm các trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật

Những ngôi nhà của hàng trăm trẻ em khuyết tật

Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Trung tâm có chức năng tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí theo quy định pháp luật.

Trung tâm hiện có 58 cán bộ, nhân viên thực hiện việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho 500 bệnh nhân, trong đó 100 người được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn lại là các trường hợp tự nguyện.

Điểm dừng tiếp theo trong chuyến công tác của Bộ trưởng là Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Lãnh đạo Bộ tới thăm hơn 100 trẻ em đang được chăm sóc, điều trị bệnh tại đây.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An thực sự là địa chỉ đáng tin cậy, địa chỉ thể hiện sự nhân ái, tình cảm, trách nhiệm, tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội dành cho trẻ em khuyết tật. Hiện cả nước có hơn 110 Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, nhưng những Trung tâm được đầu tư cơ bản, được chăm lo một cách thực sự tốt như nơi đây thì chỉ có thể đếm trên “đầu ngón tay”.

Trong năm 2024, Trung tâm đã phối hợp với hơn 120 tổ chức, cá nhân với hơn 4.500 lượt người đến thăm, giao lưu, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, tặng quà, hỗ trợ nhiều trang thiết bị, đồ dùng, nhu yếu phẩm phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật và hoạt động chuyên môn của đơn vị; tổng giá trị tài trợ (chủ yếu là hiện vật) khoảng trên 2,5 tỷ đồng…

Năm 2024, Trung tâm đang duy trì tốt công tác chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng thường xuyên cho 260 người khuyết tật, bệnh nhân, trong đó đa số là trẻ em khuyết tật đến từ 27 tỉnh thành phía Bắc với 13 dân tộc khác nhau.

"Đã là Trung tâm chăm sóc người khuyết tật thì những người làm việc ở đây phải làm bằng trái tim, bằng lương tâm mình thực sự"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, Trung tâm luôn duy trì tốt công tác dạy văn hóa theo chương trình giáo dục đặc biệt đảm bảo chất lượng, số lượng học sinh; dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ em điếc câm. Trẻ em khuyết tật thực hiện tốt nội quy, nề nếp sinh hoạt, vệ sinh phòng ở gọn gàng, sạch sẽ, tích cực tham gia vệ sinh môi trường Trung tâm.

Trung tâm có tổng số có 168 lượt học sinh (trong đó có 33 em học cả ngày) với 12 lớp: 08 lớp khiếm thính, 02 lớp chậm phát triển trí tuệ và 02 lớp can thiệp cá nhân. Chất lượng học sinh ổn định.

Đối với hoạt động chăm sóc trẻ tự kỷ, năm 2024, Trung tâm tổ chức khám, tư vấn trực tiếp cho 24 trẻ; hàng tháng, can thiệp trực tiếp từ 45 – 51 trẻ với 05 lớp can thiệp nhóm (trung bình từ 7 – 11 trẻ/nhóm) và 02 phòng tâm vận động. Hỗ trợ không thu phí trung bình 08-10 trẻ/tháng. Tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động sinh hoạt, can thiệp ngoài trời; làm đồ dùng dạy học… Xây dựng chương trình can thiệp nhóm, cá nhân.

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức cho 30 trẻ em tự kỷ tham gia hoạt động trải nghiệm tại Nông trại Detrang Farm hưởng ứng Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 02/4.

Thường xuyên trao đổi, tư vấn kỹ năng chăm sóc trẻ em tự kỷ cho phụ huynh học sinh. Hỗ trợ xây dựng chương trình can thiệp cho trẻ em tự kỷ xa đơn vị; hỗ trợ tổ chức GTV tập huấn “Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật” tại huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang).

Qua quá trình can thiệp, trẻ em tự kỷ có tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là học sinh can thiệp sớm; một số cháu đã ra học hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học tại địa phương. Các cháu tự kỷ lớn được cải thiện nhiều về hành vi, ngôn ngữ, nhận thức và kỹ năng tự lập.

Năm học 2024 – 2025, Trung tâm có 06 em theo học văn hóa hòa nhập, 100% đạt hạnh kiểm tốt, có 01 em tốt nghiệp Đại học vào tháng 5/2024. Trong năm, Trung tâm cũng duy trì tốt 08 lớp học nghề truyền thống với 102 học sinh khuyết tật, bao gồm các lớp: may, đan, handmade, hoa, hương, tranh đá quý, tranh bút lửa, dệt Saori.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: ‘Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật phải bằng trái tim và lương tâm’ ảnh 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao lưu văn nghệ với trẻ em khuyết tật

Không để xảy ra sai phạm

Bộ trưởng nhấn mạnh, những nỗ lực của Trung tâm đã mang lại cơ hội sống, học tập và trưởng thành cho nhiều trẻ em, đặc biệt là các em đến từ vùng sâu, vùng xa có môi trường tốt để vươn lên, chiến thắng số phận.

Hiện nay, không phải cơ sở nào cũng như ở đây. Các cháu cần thấy đây là niềm tự hào, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tôi cũng biểu dương các đồng chí cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên làm việc tại Trung tâm.

Các thầy cô giáo, lãnh đạo Trung tâm luôn quan tâm, giữ gìn cảnh quan, cơ sở vật chất, trang thiết bị với sự cố gắng, nỗ lực, chủ động rất lớn để chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật trong môi trường đầm ấm, dân chủ và minh bạch” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đã là Trung tâm chăm sóc người khuyết tật thì những người làm việc ở đây phải làm bằng trái tim, bằng lương tâm mình thực sự. Đến với các cháu như những người cha, người mẹ, người anh chị để không vi phạm vào các vấn đề bạo hành trẻ em. Mong rằng, các thầy cô giáo và cán bộ sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để làm tốt nhất công việc của mình.

Với trẻ em khuyết tật qua ngôn ngữ của thầy giáo Trung tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: Bác thấy các cháu đang rất hạnh phúc. Trong số hơn 2,5 triệu trẻ em khuyết tật trong cả nước, không phải ai cũng được ở nơi như các cháu bây giờ. Do đó, các cháu phải coi đây là cơ hội và nắm bắt cơ hội này để học tập, trưởng thành và trở thành những người đóng góp có ích cho xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắn nhủ: Trung tâm đã được thành lập gần 50 năm, từ năm sau sẽ chuyển sang trực thuộc Bộ Y tế. Các công việc vẫn tiếp nối, không thay đổi. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thấm đẫm tình thương, tình cảm.

Đặc biệt, các cơ sở của Bộ không được phép để xảy ra các vấn đề vi phạm, tiêu cực như thời gian vừa qua ở một số địa phương.

Nhân dịp này, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng ti vi và trao biển tặng sân chơi, đồ chơi cho trẻ em Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, trị giá 200 triệu đồng.

MỚI - NÓNG