Bộ TN&MT nói gì việc thay đổi thông báo quan trắc Cty Rạng Đông trên website?

TPO - Trao đổi với phóng viên sáng 11/9, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) xác nhận có thay đổi một số câu chữ trong thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông, nhưng khẳng định, chịu trách nhiệm về số liệu trước đó đã công bố.

Bỏ cụm từ “đấu tranh” vì nhạy cảm

Theo đó, ngày 10/9, thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy nhà xưởng Cty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông trên website của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) ở địa chỉ www.vea.gov.vn không truy cập được sau 3 ngày công khai. Thông tin trên website của Bộ TN&MT vẫn còn nhưng được chỉnh sửa một phần.

Trước đó, trong thông tin công bố trên trang web của mình, Tổng cục Môi trường cho biết, theo báo cáo ban đầu của Cty Rạng Đông, từ năm 2016 Cty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

"Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Cty, Cty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng.

Khối lượng hóa chất còn lại là: 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Hg lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy.

Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg", thông tin đăng ngày 6/9 trên Cổng của Tổng Cục nêu.

Tổng Cục Môi trường cũng cho biết, từ ngày 30/8 - 1/9, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh gồm: Môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất khu vực xung quanh.

Kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường công bố cho thấy, chỉ có1 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ).

So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) thì hàm lượng Hg tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các mẫu không khí còn lại tại các vị trí trước cửa trạm oxy bên trong Công ty, phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình, cách Công ty 200m, 500m và 1.000 m có dư lượng Hg trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, ATDSR.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, các kết quả quan trắc nêu trên chỉ phản ánh hiện trạng môi trường sau 2 - 5 ngày xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, trong quá trình cháy, hầu hết lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.

Trao đổi với phóng viên sáng 11/9, lãnh đạo Tổng cục Môi trường xác nhận, sau khi chỉnh sửa, đã bỏ cụm từ "qua đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận...". Vị này lý giải: "cái đó nhạy cảm nên bỏ đi". Vị này nhấn mạnh thêm, chỉ bỏ cụm từ trên còn toàn bộ số liệu về hiện trạng môi trường vẫn y nguyên, không thay đổi.

"Chúng tôi chịu trách nhiệm về các số liệu đưa ra. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho thành phố Hà Nội là đầu mối chủ trì, cung cấp thông tin, phối hợp với các Bộ. Bộ TN&MT sẽ làm hết sức mình trong việc phối hợp với Hà Nội", vị này nêu rõ.

Về kế hoạch tẩy độc tại khu vực Cty Rạng Đông, vị này cho hay, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của thành phố Hà Nội nên họ sẽ phối hợp, có phương án.

Vì sao có khác biệt kết quả quan trắc?

Liên quan đến những thông tin trái chiều về kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình cho biết, kết quả quan trắc môi trường của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, hiện trạng môi trường tại thời điểm lấy mẫu (6-7/9) đã an toàn. Tuy nhiên, kết quả đó không đại diện cho chất lượng môi trường thời điểm trước lấy mẫu. Kết quả này cũng không vênh với kết quả quan trắc trước đó của Bộ TN&MT mà phù hợp với diễn tiến chất lượng không khí theo thời gian.

Trước đó, trong hai ngày 6-7/9, Sở TN&MT Hà Nội đã lấy không khí tại 6 vị trí xung quanh Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Kết quả lấy mẫu ngày 6/9 cho thấy, các thông số gồm vi khí hậu, Pb (trung bình 24 giờ), Zn đều nằm trong giới hạn cho phép đồng thời không phát hiện thấy Hg - thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu như SO2, Benzen, Toluen, Bụi tổng tại một số vị trí xung quanh, nhất là vị trí giáp cổng Cty Động Lực vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Kết quả lấy mẫu ngày 7/9 cho thấy, hàm lượng thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí dưới ngưỡng quy định tại QCVN 06:2009/BTNMT.

Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, kết quả này cũng phù hợp với tính toán của nhiều nhà khoa học. Chất lượng môi trường luôn luôn thay đổi. Thời điểm xảy ra sự cố, một khối lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường, có thể gây ô nhiễm tại thời điểm đó. Tuy nhiên sau sự cố, không khí khuếch tán theo gió và Hà Nội liên tiếp mưa nên chất lượng môi trường không khí xung quanh được cải thiện nhiều.

Sau đám cháy, nguy cơ phát thải thủy ngân nằm ở đống tro tàn. Khu vực này có thể còn thủy ngân trong quá trình cháy chưa hết và phát thải ra môi trường xung quanh nếu có xáo trộn. Tuy nhiên, từ ngày 4/9, Hà Nội tiến hành phủ bạt, cô lập đống tro tàn này. Vì thế, chất lượng không khí xung quanh khu vực nhà máy tiếp tục được cải thiện và nằm trong ngưỡng an toàn.

Dù vậy, theo chuyên gia Đào Nhật Đình, kết quả này chỉ phản ánh hiện trạng không khí tại thời điểm lấy mẫu chứ không đại diện cho chất lượng môi trường không khí thời điểm xảy ra sự cố và sau đó. Việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm không khí tại thời điểm đám cháy hiện nay chỉ có thể dựa vào các mô hình tính toán lan truyền ô nhiễm.

Chuyên gia Đào Nhật Đình cũng cho rằng, kết quả này không vênh với kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo công bố mới nhất của Tổng cục Môi trường, cũng chỉ có một mẫu không khí trong kho xấp xỉ quy chuẩn Việt Nam, còn lại đều an toàn. Nó phù hợp với diễn tiến môi trường không khí vì thời điểm lấy mẫu của Tổng cục Môi trường sớm hơn của Hà Nội, từ ngày 30/8 đến 1/9.

MỚI - NÓNG