Bỏ thung lũng Silicon về làm xe máy điện

Từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm ở Thung lũng Silicon, chàng trai Ðà Nẵng trở về quê hương lập nghiệp với thương hiệu xe máy điện “Made in Ðà Nẵng”. Ảnh: Giang Thanh
Từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm ở Thung lũng Silicon, chàng trai Ðà Nẵng trở về quê hương lập nghiệp với thương hiệu xe máy điện “Made in Ðà Nẵng”. Ảnh: Giang Thanh
TP - Là một thạc sĩ khoa học máy tính, đang làm việc tại Thung lũng Silicon (Bắc California, Mỹ) với mức lương đáng mơ ước, Nguyễn Bá Cảnh Sơn (SN 1990, Ðà Nẵng) lựa chọn từ bỏ tất cả trở về quê hương và khởi nghiệp với chiếc xe máy điện thuần Việt, thân thiện với môi trường.

Ấp ủ làm xe máy của kỹ sư phần mềm

Nếu không để ý kỹ tấm biển nhỏ lắp trên số nhà 23 Nguyễn Thái Học (quận Hải Châu, TTP Đà Nẵng), ít ai có thể biết rằng, 3 tầng dưới của Thương xá Chợ Hàn lại là một nhà máy sản xuất xe máy điện chuẩn quốc tế mang tên Dat Bike. Trong “đại bản doanh” rộng chừng 2.700m2, thi thoảng lại có đôi ba du khách đi tắt ngang qua để tạt sang chợ Hàn, 6 chàng “lính ngự lâm” ngày ngày cặm cụi thảo luận, chỉnh sửa để nâng cấp đứa con tinh thần mang tên Weaver - chiếc xe máy điện đầu tiên cộp mác “made in Đà Nẵng”.

Ông chủ của Dat Bike không phải là cái tên xa lạ với nhiều người dân Đà Nẵng. Hơn 10 năm trước, cậu học trò Nguyễn Bá Cảnh Sơn - lớp chuyên Toán tin của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã làm nức lòng người dân Đà Nẵng với tấm huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế năm 2008 tại Ai Cập. Hơn 10 năm sau, cậu học trò nhỏ giờ đã là thạc sĩ khoa học máy tính của ĐH Illinois (Mỹ), lặng thầm cần mẫn với ước mơ xây dựng thương hiệu xe điện của người Đà Nẵng.

Vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hàn, Đà Nẵng trong kí ức của Nguyễn Bá Cảnh Sơn là những buổi đạp xe thong dong đến trường hay chiều mát ra bờ sông hóng gió. “Ngày đó, Đà Nẵng không nhiều xe cộ, không khí cũng trong lành, thoải mái. Sau này, khi đi du học, mỗi lần trở về, mình lại thấy Đà Nẵng ngày một phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Nhưng đi kèm với đó là lượng xe máy ngày càng nhiều, tiếng ồn ngày càng lớn và ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Mọi người ra đường ai cũng phải bịt kín từ đầu đến chân”, Sơn kể.

Những điều đó khiến Sơn trăn trở, khi trở về Mỹ, những băn khoăn cứ quấn lấy chàng kỹ sư phần mềm. “Mình tự nghĩ việc làm cho trang web chạy nhanh hơn hay hệ thống xử lý dữ liệu nhiều hơn liệu có thực sự quan trọng hay không khi mà nhu cầu quan trọng nhất trong cuộc sống đó là hít thở thì ba mẹ, người thân và bạn bè ở quê nhà vẫn chưa được đáp ứng”, Sơn nhớ lại. Nghĩ là làm, Sơn quyết định xin nghỉ việc và bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng về chiếc xe đạp điện thân thiện với môi trường.

Bỏ thung lũng Silicon về làm xe máy điện ảnh 1

Chiếc xe máy điện Weaver, sản phẩm thương mại đầu tiên của Dat Bike băng băng trên các cung đường ở núi Sơn Trà, đèo Hải Vân. Ảnh: NVCC

Bỏ thung lũng Silicon về làm xe máy điện ảnh 2

Nguyễn Bá Cảnh Sơn cùng các cộng sự thảo luận cải tiến thiết kế và động cơ xe. Ảnh: Giang Thanh

Tuy nhiên, dù có là một cậu học sinh giỏi quốc tế, nhưng việc “bẻ lái” từ một kỹ sư phần mềm sang hẳn chuyên ngành cơ khí chế tạo máy cũng không phải dễ dàng. Việc đầu tiên để hiện thực hóa ý tưởng của Sơn đó là học. “Những tháng đầu tiên, mình dành thời gian để học tất cả mọi thứ về sản xuất xe điện. Từ học hàn, học vẽ, học gia công cơ khí, học điện tử, học công nghệ pin và cả học may để may yên xe”, Sơn chia sẻ.

Nỗ lực nhiều tháng trời, Sơn cho ra bản vẽ mẫu đầu tiên và nhận được lời khuyên của nhiều bạn bè: “Thôi, mày quay lại làm phần mềm đi”. Không nản chí, Sơn vẫn tiếp tục chỉnh sửa bản vẽ theo góp ý, phản hồi của bạn bè. Đến bản vẽ thứ 3, khi đăng lên mạng xã hội thì có nhiều người vào hỏi để đặt làm. Nhờ vậy, Sơn mới dần thấy yên tâm với bản mẫu của mình. Sau khi hoàn thành ý tưởng thì đến khâu gọi vốn. Sơn chạy mẫu xe của mình đi khắp nơi, tận dụng các mối quan hệ để giới thiệu xe và tìm kiếm đầu tư.

 “Nhà máy” chuẩn quốc tế bên sông Hàn

Mất gần 1 năm trời để hiện thực hóa ý tưởng và tìm kiếm đầu tư, bản vẽ mẫu xe máy điện đầu tiên của người Đà Nẵng theo chân Sơn từ California về căn xưởng nhỏ bên hông chợ Hàn. Đầu năm 2019, Công ty Dat Bike ra đời với mẫu xe thương mại đầu tiên mang tên Weaver. Chiếc xe máy điện có thiết kế khá cơ bản và nhỏ gọn, kiểu dáng mạnh mẽ và mang hơi hướng hoài cổ. “Weaver là chiếc xe lấy cảm hứng thiết kế từ xe đạp nhưng sử dụng công nghệ ô tô. Đây là chiếc xe máy điện có thiết kế gọn nhẹ nhất Việt Nam”, Sơn giới thiệu.

Xe chạy có thời gian sạc điện nhanh, mất khoảng 3 tiếng để sạc đầy. Khi di chuyển với vận tốc 35km/h, xe sẽ chạy được khoảng 100km. Chi phí cho mỗi lần sạc đầy pin là khoảng 5.000 đồng, mỗi tháng, với Weaver, người dùng sẽ chỉ tốn khoảng 30.000 đồng cho chi phí nhiên liệu, rẻ hơn rất nhiều so với xe máy chạy xăng. Điểm đặc biệt nữa của chiếc xe máy điện này đó là pin, pin có tuổi thọ lên đến 10 năm hoặc 100 nghìn km.

“Sau thời gian đó, pin vẫn sẽ hoạt động với dung lượng thấp hơn, chỉ bằng 70% so với trước. Bên công ty cũng sẽ tiến hành thu mua lại pin cũ để tái chế và sử dụng lại pin này cho những việc không cần pin hiệu suất cao như lưu trữ điện dân dụng. Vấn đề này Dat Bike cùng các đối tác đang tiến hành nghiên cứu”, Sơn chia sẻ.

 “Weaver hiện đạt công suất ngang với xe máy chạy xăng, có thể chạy trên nhiều cung đường ở Việt Nam. Nó xóa bỏ quan niệm của người Việt về xe máy điện thường yếu, tốc độ chậm, không thể chạy đường đèo dốc...”, Sơn tự hào.

Bản quyền thương hiệu đã được Sơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, Dat Bike cũng được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp phép sản xuất xe điện, mỗi chiếc xe Weaver để có thể lăn bánh phải tiến hành làm giấy tờ và biển số, người điều khiển phải có giấy phép lái xe. Giá một chiếc Weaver đang được bán ra với giá 59 triệu đồng. Một số chi tiết của xe sẽ được cá nhân hóa theo yêu cầu của khách hàng và mất khoảng 3 tháng để khách hàng có thể nhận xe.

Dat Bike đang tiến hành một số đơn đặt hàng của các doanh nghiệp với số lượng 100 chiếc. “Phần lớn các đơn là các doanh nghiệp đặt để làm dịch vụ cho thuê xe du lịch. Dat Bike cũng đang tiến hành hợp tác với Foody để cung cấp xe cho các shipper của dịch vụ Delivery Now”, Sơn nói thêm. Dat Bike cũng là hạt giống ươm tạo khóa mới nhất của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES).

Thay đổi thói quen của người Việt

“Ở trên thế giới, xe điện rất phổ biến vì sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam, xe máy chạy xăng vẫn là lựa chọn của nhiều người. Dat Bike mong muốn góp tên mình vào hành trình thay đổi thói quen người Việt, tạo cho mọi người thói quen sử dụng xe điện để bảo vệ môi trường”.     Sơn chia sẻ

Hỏi Sơn có thấy tiếc khi từ bỏ công việc “trong mơ” ở Thung lũng Silion để về căn xưởng nhỏ ở Thương xá chợ Hàn suốt ngày hàn xì, lắp ráp hay không? Sơn nói có nhưng không hối tiếc. “Ở đó, mình có tương lai rộng mở. Nhưng với Dat Bike mình có thể đóng góp để làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Như mình vẫn nói: đến hít thở còn chưa xong thì vào facebook nhanh hơn để làm gì?”, Sơn bộc bạch.

MỚI - NÓNG