> Sữa bất ngờ tăng giá
> Giá nguyên liệu giảm, giá sản phẩm vẫn cao
Theo thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 16-9, so với đầu tháng 3, giá sữa nguyên liệu đã giảm tới 1.000 USD/tấn, tương đương 30%. Ngày 16-9, giá sữa bột nguyên kem xuất khẩu tại thị trường Tây Âu giảm còn 3.800-4.000 USD/tấn. Ngày 4-3, mức giá là 4.750-5.000 USD/tấn. Đối với sữa bột gầy, giá cũng giảm từ 3.675-4.300 USD/tấn xuống còn 3.000-3.300 USD/tấn.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, đây là mức giảm khá mạnh trong nhiều năm qua do nguồn cung trên thị trường dồi dào.
Đầu tháng 2, khi giá nguyên liệu thế giới tăng, hàng loạt công ty sữa nước ngoài tăng giá bán lẻ tại Việt Nam. Nhưng khi giá thế giới quay đầu giảm sâu, họ không giảm giá.
Theo một nhân viên bán hàng trên phố Tây Sơn (Hà Nội), đầu tháng 9, một số hãng sữa thông báo tăng giá bán với mức tăng trung bình từ 5.000- 50.000 đồng/hộp. Đó là các sản phẩm sữa Dumex, Dutch Lady, Friso, Lactogen.
Với lý do thay đổi mẫu mã, nhà sản xuất sữa Dumex thông báo tăng giá 10-13%. Trước đây, Dumex Dugrow Gold 3 loại 800 gam giá là 292.000 đồng/hộp thiếc. Hiện nay, với mẫu mã mới, sản phẩm có giá là 337.000 đồng. Từ ngày 7- 9, hầu hết sản phẩm sữa bột cô gái Hà Lan và sữa bột Friso tăng giá với mức tăng cao nhất lên tới 15%.
Hãng Nestlé cũng tăng giá sữa Lactogen từ 3-10%.
Giám đốc đối ngoại Cty Friesland Campina Việt Nam, nói rằng, nhiều yếu tố đầu vào tiếp tục tăng thời gian qua, buộc hãng phải tăng giá lần này. Tỷ giá EUR/VND tăng 9-11%, trong khi nguyên liệu sữa bột chủ yếu phải nhập khẩu bằng ngoại tệ; giá nguyên vật liệu đóng gói tăng từ 5-18%…
Trên một số diễn đàn mạng, nhiều người bày tỏ bức xúc về nghịch lý giá sữa tại Việt Nam. “Sữa Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực, bây giờ lại tăng giá nữa ai mà chịu nổi. Đề nghị kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng nhau tẩy chay các loại sữa tăng giá”, một người viết.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng, nói rằng, sữa ngoại đã chiếm lĩnh thị trường nên rất khó để người tiêu dùng tẩy chay. Theo bà, các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ, không để các hãng sữa tăng giá tùy tiện.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khi đó, giá sữa mới có cơ hội bình ổn, ông Hùng nhận định.