Bộ Tài chính muốn đánh thuế với nước ngọt, WHO khuyến nghị cân nhắc

Bộ Tài chính muốn đánh thuế với nước ngọt, WHO khuyến nghị cân nhắc
Bộ Tài chính muốn đánh thuế với nước ngọt, WHO khuyến nghị cân nhắc
TPO - Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm năm 2018 được công bố tháng 6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia đánh thuế lên thực phẩm và đồ uống có đường vì mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần cân nhắc khi áp dụng.

Tại dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019. Cùng đó, mức thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%. Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa) sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Về tác động của dự thảo luật, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) nếu dự luật được thông qua, đây sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp do các đơn vị trong ngành sản xuất nước ngọt đang chịu ít nhất khoảng 10 loại thuế, phí. Với mức thuế mới này, giá bán các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%.

Theo báo cáo của WHO, có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả việc áp thuế với nước ngọt trong việc định hướng tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe của người dân. Báo cáo của WHO cho thấy, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia áp thuế đặc biệt đối với nước ngọt với mục tiêu giảm và ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và béo phì. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách thuế này chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào.

Cũng theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người thừa cân, béo phì và tiểu đường ở các quốc gia áp dụng thuế TTĐB trên nước ngọt không những không giảm mà còn tăng đều qua các năm. Tại khu vực châu Á chỉ có 4 quốc gia áp thuế đối với nước ngọt là Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan. Theo số liệu của WHO, tỉ lệ béo phì ở độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi và độ tuổi từ 18 tuổi trở lên ở các nước này vẫn tăng liên tục trong 16 năm qua.      

Đặc biệt, Brunei và Thái Lan là hai quốc gia có tỷ lệ béo phì tăng nhanh và cao nhất trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan tỉ lệ béo phì ở người từ độ tuổi 5 đến 19 tuổi tăng từ 3,1% (năm 2000) lên mức 11,3% (năm 2016). Còn tỷ lệ người béo phì ở Brunei trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi tăng từ 6,4% (năm 2000) lên mức 14,1% (năm 2016). Chính vì vậy, một số quốc gia đã từng áp dụng thuế  tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt đã phải bỏ chính sách thuế này.

Thay vì khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, báo cáo của WHO đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể là, chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp cùng phối hợp tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất.

WHO cho hay, những quốc gia có tỷ lệ người béo phì và tiểu đường tăng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore hay Úc đều không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường mà tập trung vào các chính sách và chương trình giáo dục về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và tăng cường vận động. 

MỚI - NÓNG