Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định (2715/QĐ-BTC) về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, tổng dự toán thu ngân sách 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 1,44 triệu tỷ đồng, thu dầu thô 46.000 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu 204.000 tỷ đồng; thu viện trợ 6.575 tỷ đồng.
Đối với chi ngân sách, Bộ Tài chính dự tính tổng chi 2,11 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất với 1,17 triệu tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 677.000 tỷ đồng; chi trả nợ lãi 111.000 tỷ đồng; chi viện trợ 2.200 tỷ đồng và khoản chi cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội 74.000 tỷ đồng.
Năm 2024, Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách nhà nước 1,7 triệu tỷ đồng, dự toán chi 2,11 triệu tỷ đồng. (Ảnh minh họa: ST). |
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết (104/2023/QH15) về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Lũy kế 11 tháng năm nay, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1,53 triệu tỷ đồng, giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1,27 triệu tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam liên tục đưa ra những gói chính sách tài khóa khiến ngân sách nhà nước mỗi năm giảm thu gần 200.000 tỷ đồng.
"Khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, thu ngân sách bị ảnh hưởng. Do đó, thúc đấy doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển; Đồng thời, quản lý tốt thị trường tài chính, trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh, tín dụng ngân hàng để thúc đấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", Bộ trưởng Phớc cho biết.