Bổ sung biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt ở ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Sáng 5/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đại diện Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Thống đốc, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.

“Việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng”, bà Hồng cho hay.

Bổ sung biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt ở ngân hàng ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh Như Ý

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Việc luật hóa quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm tại luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa TCTD và bên có tài sản bảo đảm, trong đó điều kiện tiên quyết là có sự đồng ý cho phép thu giữ tài sản của chủ tài sản.

Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải thu giữ “vô điều kiện” mà tổ chức thực hiện thu giữ phải tuân thủ pháp luật và các điều kiện thu giữ quy định tại Luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến kiểm soát đặc biệt TCTD, đề nghị rà soát lại trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt; đồng thời làm rõ quy định biện pháp đặc biệt báo cáo Quốc hội.

Bổ sung biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt ở ngân hàng ảnh 2

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Như Ý

Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động đến thị trường chứng khoán. Có ý kiến đề nghị quy định tại dự thảo Luật lộ trình phù hợp để các cổ đông hiện hữu thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư.

Liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ thêm về tình hình xử lý các TCTD mua bắt buộc và đặt vào kiểm soát đặc biệt trong thời gian qua; làm rõ các nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình triển khai xử lý các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng đặt vào kiểm soát đặc biệt…

“Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm dân sự của người quản lý, người điều hành của TCTD khi để TCTD mất thanh khoản phải kiểm soát đặc biệt và từ đó phải chuyển giao bắt buộc hoặc giải thể, phá sản”, ông Thanh cho hay.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Uỷ ban Kinh tế thấy rằng, quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định, vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn.

“Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường”, ông Thanh cho hay.

Từ những nội dung phân tích trên đây và xét ý nghĩa quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Uỷ ban Kinh tế đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.