Tuy nhiên, một nghịch lý cần phải nhìn nhận: người bệnh VN mỗi năm phải bỏ khoảng 1 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Bên cạnh việc sính ngoại, bệnh viện tại VN bị quá tải, cách ứng xử của đội ngũ y bác sĩ, nhu cầu thực tế… thì lý do lớn nhất mà nhiều bệnh nhân ở VN quay lưng với các BV trong nước chính là thông tin “sở trường” của nhiều BV, bác sĩ giỏi vẫn còn mù tịt.
Hình như các bệnh viện ở VN đang tự mãn với lượng bệnh nhân vốn dĩ đông đảo nên đã lãng quên hay không cần đối tượng hướng ngoại này.
Trong khi các phòng khám Trung Quốc “rởm”, BS “rởm” xuất hiện nhan nhản mỗi ngày trên đài truyền hình, quảng cáo với nội dung thổi phồng như “thần y” khiến người bệnh không muốn xem cũng phải liếc nhìn. Hiếm hoi mới thấy các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của VN tổ chức PR giới thiệu sở trường, năng lực của bệnh viện mình trên truyền hình, báo chí.
Họa chăng, thỉnh thoảng mới có một vài tin “con cóc” giới thiệu ca mổ nào đó thành công. Lâu nay, các bệnh viện tại VN đang ngủ quên trong sự “bao cấp” của bảo hiểm y tế và than lỗ với giá dịch vụ lỗi thời mà lại bỏ rơi 1 tỷ USD về tay các BV nước ngoài. Đáng buồn!
Tại một cuộc họp báo về triển lãm y tế quốc tế VN được tổ chức ở TPHCM mới đây, TS Trần Đức Long, Vụ trưởng vụ Pháp chế- Bộ Y tế khẳng định, ngành y tế đang tuyên truyền khuyến khích “người VN ưu tiên dùng các dịch vụ y tế VN”. Tuy nhiên, cả hội chợ với 450 gian hàng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ không thấy bóng dáng của bất kỳ bệnh viện nào ở VN.
Các gian hàng của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… trong lĩnh vực phòng khám, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ thì đăng ký dài dằng dặc. Thậm chí đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc còn giới thiệu cả dịch vụ du lịch kết hợp khám chữa bệnh.
Thế mới biết, các bệnh viện tại VN đang thờ ơ và đứng ngoài cuộc trong việc đánh bóng, giới thiệu tên tuổi của mình. Điều này cũng lý giải được nguyên nhân: 1 tỷ USD của người VN không dễ tự nhiên mất đi.