Bộ NN&PTNT tiếp tục có ý kiến về đề xuất hạ đê sông Hồng

TPO - Về phương án thiết kế của Hà Nội đề xuất cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4m, Bộ NN&PTNT đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ.

Hôm nay (14/2), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội về phương án thiết kế điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Theo đó, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của UBND TP Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê tông cốt thép đoạn đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Về phương án thiết kế của Hà Nội đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4m, Bộ NN&PTNT đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ.

Đồng thời, thực hiện các ý kiến của Bộ tại văn bản số 10309/BNN-TCTL ngày 07/12/2016 và nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, hội, chuyên gia... tại cuộc họp trao đổi về phương án thiết kế vừa diễn ra ngày 13/2.

Trước đó ngày 13/2 tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với Hà Nội và các nhà khoa học về việc Hà Nội đề xuất hạ độ cao 1,1 km đường đê Nghi Tàm để mở rộng đường giao thông và làm cầu vượt giao thông qua nút giao đường Thanh Niên – cửa khẩu An Dương, các bên vẫn chưa thống nhất về độ cao hạ đê.

Cụ thể, phía Hà Nội đề nghị hạ độ cao đoạn đê trên xuống còn 12,4 m, còn phía Bộ NN&PTNT đề nghị hạ độ cao nền đê ở mức 13,5 m cao hơn so với cao trình lũ thiết kế là 13,4 m. “Hiện tại mặt đê có cao độ 15,2 m, nên tại cuộc họp ý kiến của Bộ Bộ NN&PTNT là giữ nền đê ở mức 13,5 m, còn thành phố Hà Nội đề nghị là hạ xuống mức 12,4 m. Bên cạnh đấy, Bộ NN&PTNT cũng đồng ý đề xuất hạ đê và thay vào đó là làm bức tường bê tông cốt thép chắn sóng hình chữ L (giống như tường đê Yên Phụ hiện tạ-PV) với mức 15,4 m, cao hơn đường đê hiện tại 0,2 m”, vị cán bộ tham gia cuộc họp cho biết.

Ngoài nội dung trên tại cuộc họp bàn, các ý kiến của chuyên gia cũng góp ý về phương án làm cầu vượt qua nút giao đường Thanh Niên- cửa khẩu An Dương phải đảm bảo an toàn cho hệ thống đê Nghi Tàm; đê Yên Phụ. Trong đó, các chuyên gia cho rằng, nếu làm cầu vượt sẽ có rất nhiều phương tiện giao thông lưu thông gây chấn động đến nền đê. Vì thế, các ý kiến cho rằng, việc thiết kế cầu vượt qua nút giao này phải tính toán thật kỹ lưỡng để công trình cầu vượt vừa đảm bảo kết cấu an toàn vừa không ảnh hưởng đến nền đê.

Trước đó, trong văn bản trả lời UBND thành phố Hà Nội, Bộ NNPTNT đã nhấn mạnh “đây là tuyến đê cấp đặc biệt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội”. 

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội cần lựa chọn giải pháp gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ khi thực hiện phương án hạ đê, mở đường…

MỚI - NÓNG