Theo bà Chi, hiện trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần bộ thủ tục kiểm tra. Nhiều nhóm mặt hàng thuộc quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, khi kiểm tra ATTP, phải có kiểm tra về kiểm dịch động vật do Bộ NN&PTNT quản lý, như sản phẩm sữa, phô mai nhập khẩu, các sản phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, bột mỳ…
Bà Chi cũng cho cho biết, hiện danh mục phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan của Bộ NN&PTNT quy định quá rộng, chưa chi tiết tên hàng và chưa có mã số HS, như: Sản phẩm có chứa mật ong, sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa, dụng dụ, vật liệu, bao gói chứa đựng sản phẩm.
Trong khi đó, theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện các DN trong hiệp hội gặp khó khăn, khi Nghị định 39 (thay thế nghị định 08/2010), dù có hiệu lực từ tháng 5/2017, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, nên các DN vẫn “ách tắc”. Ông Lịch cũng cho rằng hiện có trên 4.000 loại thức ăn là quá nhiều, nên giảm bớt. Trong khi đó, vấn đề giấy tờ lưu thông cũng cần phải xem xét, rà soát lại, “vì thử hỏi như bánh kẹo Hải Hà có cần có giấy phép lưu thông cả nước, lại bắt thức ăn chăn nuôi phải có giấy phép lưu thông”- ông Lịch nói.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm tối đa kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu; quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Đồng thời sẽ rà soát, cắt các thủ tục chồng chéo giữa các bộ, cơ quan trong bộ.