Bộ, ngành vẫn “đẻ” thêm điều kiện kinh doanh

Chỉ có 30% ĐKKD được cắt bỏ. Ảnh minh họa
Chỉ có 30% ĐKKD được cắt bỏ. Ảnh minh họa
TP - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên đến nay mới có khoảng 30% số ĐKKD được cắt bỏ. Kết quả này không những không đạt yêu cầu đặt ra, mà một số bộ, ngành còn đề xuất bổ sung ĐKKD, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.   

Chỉ 30% ĐKKD được cắt bỏ

Bộ KH&ĐT vừa báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong quý 3/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, khi báo cáo, hầu hết bộ, ngành đều nói đạt mục tiêu, song khi Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) rà soát thấy nhiều nội dung cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất. Có bộ, ngành báo cáo việc thực hiện chung chung, thậm chí lặp lại các nội dung yêu cầu của Nghị quyết 19.

“Đến nay, mới có 2 nghị định được cắt giảm. Việc thực hiện cắt giảm ĐKKD mới đạt 30% so với yêu cầu”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Đặc biệt, quá trình cắt giảm ĐKKD, Bộ GTVT không đề xuất xây dựng một văn bản trên cơ sở sửa nhiều văn bản và đề xuất sửa 9 nghị định liên quan. Thậm chí, với các dự thảo nghị định sửa đổi riêng biệt của Bộ GTVT soạn thảo còn bổ sung thêm ĐKKD mới. 

“Việc bổ sung ĐKKD mới đi ngược với chủ trương cắt giảm ĐKKD. Trong quá trình rà soát, chúng tôi chỉ ra các điểm này để bộ, ngành chủ động cắt giảm theo đúng chủ trương đề ra”, đại diện nhóm rà soát ĐKKD của CIEM cho biết.

Theo CIEM, nội dung cắt giảm ĐKKD của bộ, ngành còn nhiều điểm vướng như một số ĐKKD được bãi bỏ là các quy định chung hoặc điều kiện kinh doanh được cắt bỏ một phần nội dung; cắt bỏ do bị trùng lắp trong quy định. Một số điều kiện kinh doanh sửa đổi, có thể chỉ là sửa câu chữ hoặc sửa nội dung nhưng chưa thực sự đơn giản hoá. Vẫn còn ĐKKD không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm. Các ĐKKD ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của bộ quản lý” chưa được cắt bỏ. Cá biệt, một số nội dung thay đổi thực hiện mang tính hình thức, hơn là mục tiêu vì cải cách, vì doanh nghiệp. 

Đánh giá về tình hình cắt giảm ĐKKD, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, quá trình cắt giảm, nhiều bộ ngành phản đối và “bảo vệ” các ĐKKD, vì cho rằng cần thiết. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là cán bộ nhân viên của bộ, ngành ban hành thêm điều kiện kinh doanh vẫn muốn dùng ĐKKD để giám sát doanh nghiệp.

“Chừng nào tiền lương cho một số viên chức, quan chức bộ, ngành còn thấp và họ nghĩ không đủ sống thì sẽ tìm cách duy trì ĐKKD, đòi hỏi thêm chi phí của DN để có thêm thu nhập. Đó là thực tế đang tồn tại và khiến con đường cắt giảm ĐKKD khó khăn hơn”, ông Doanh đánh giá.
Theo ông Doanh, bên cạnh cắt giảm ĐKKD, cần thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử, yêu cầu các bộ, ngành tham gia để giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.  Điều này sẽ góp phần hạn chế lạm quyền và nhũng nhiễu doanh nghiệp. 

Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành chưa thực chất 

Bên cạnh cắt giảm ĐKKD, việc đề xuất phương án cắt giảm danh mục hàng hoá và đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành của bộ, ngành chưa đạt yêu cầu. Nhiều bộ ngành chỉ làm mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Tiêu biểu như Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 24/26 nhóm sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chủ yếu cần cắt giảm theo kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội lại thuộc 2 nhóm còn lại chưa được cắt giảm. 

Bộ NN&PTNT báo cáo cắt giảm 78,2% mặt hàng chuyển thanh tra chuyên ngành, nhưng thực tế không phải cắt giảm mà chuyển từ giai đoạn trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan. Và tổng số mặt hàng kiểm tra chuyên ngành của bộ này lên tới gần 7.700, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương chỉ nêu phương án chuyển 402/702 mặt hàng từ kiểm tra giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, không phải kết quả cắt giảm danh mục. Hơn nữa, bộ  này nêu phương án cắt giảm từ Quý I/2018, nhưng đến nay, chưa có thông tin đã thực hiện phương án hay chưa. 

“Chừng nào tiền lương cho một số viên chức, quan chức bộ ngành còn thấp và họ nghĩ không đủ sống thì sẽ tìm cách duy trì ĐKKD, đòi hỏi thêm chi phí của DN để có thêm thu nhập. Đó là thực tế đang tồn tại và khiến con đường cắt giảm ĐKKD khó khăn hơn”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh 

 “Kết quả về rà soát, cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành nêu trên chưa có nhiều chuyển biến trong quý 3 năm 2018. Hầu hết bộ ngành đang ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Theo Bộ KH&ĐT, vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thực hiện ở một số địa phương còn hình thức, đáp ứng yêu cầu báo cáo hơn là thay đổi, cải cách vì mục tiêu đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu, nhất là các mục tiêu về cải cách ĐKKD và quản lý chuyên ngành. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết 19, đem lại kết quả toàn diện và đồng bộ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.