Bộ, ngành “khoe” thành tích, doanh nghiệp than chưa hết xin - cho

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh Ảnh: N.B
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh Ảnh: N.B
TP - Trong khi các bộ, ngành báo cáo những con số “ấn tượng” về kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh thì Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, việc cắt giảm còn hình thức, doanh nghiệp vẫn phải chịu cảnh “khổ nạn” cấp phép, xin cho.

Vẫn “khổ nạn” với cấp phép, xin- cho
Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật còn nợ đọng và việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo đến nay đã có hơn 3.100 điều kiện trên tổng số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, 6.700 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến dòng hàng, mặt hàng (trên tổng số 9.600 mặt hàng) cũng được bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng cũng nhắc tới các ý kiến lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cho rằng chi phí kinh doanh không chính thức giảm nhưng còn ở mức cao. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa mang lại lợi ích rõ ràng, chỉ tháo gỡ những vướng mắc nhỏ, chưa tạo tác động sâu rộng và đã đến lúc phải đi vào cắt giảm những vấn đề khó, thực chất. Đặc biệt theo phản ánh của VCCI, vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, hoặc nhiều đơn vị trong cùng một bộ. Thậm chí, có tình trạng điều kiện kinh doanh “hóa thân” vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, không giải quyết được bài toán đề ra, tình trạng xin - cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Chi phí không chính thức với doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực. 

Lãnh đạo CIEM cũng cho rằng, việc cắt giảm mới chỉ là hình thức khi thủ tục giảm nhưng thời gian xử lý công việc không giảm. Nêu thực tế ở địa phương, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, đang có tình trạng “không ai dám quyết định”, nhất là với những dự án đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Đình Cung kể, có chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh than thở “cứ lên bộ là rất sợ”, vì không biết gặp ai cho đúng và chẳng biết bao giờ mới xong. Từ đó, ông đưa ra nhận định “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa chưa nóng”. Về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, ông Cung cho rằng, các bộ thường nói về thành tích nhiều hơn là vấn đề của bộ mình. Ông đề nghị được làm việc trực tiếp với các bộ để thống nhất về lý luận, quan niệm thực tiễn nhằm có hành động thống nhất. 

“Ai kiểm tra cũng được, hạch kiểu gì cũng được”

Tại cuộc họp, nhiều vướng mắc cụ thể cũng được Tổ công tác nêu ra như việc thủ tục kiểm tra formaldehyte với sản phẩm dệt may của Bộ Công Thương. “Hiện có 6 nghìn doanh nghiệp dệt may, nhưng tỷ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyte rất nhỏ, mà lại kiểm tra 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng này, vậy có thể thay đổi phương thức kiểm tra không, như quản lý rủi ro, phân luồng xanh, đỏ, vàng để có hình thức kiểm tra phù hợp?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề. 

Với Bộ LĐ,TB&XH là quy định các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô phải có đủ nhân lực, phương án về an toàn vệ sinh lao động theo pháp luật về lao động, ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ này nghiên cứu, xem xét. “Tổ trưởng cho rằng đây là quy định dẫn chiếu nhưng chung chung, rất khó cho doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng “ai kiểm tra cũng được, hạch kiểu gì cũng được”, ông Dũng nêu ý kiến.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian qua đã giảm 1.392/2.005 điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt 167/245 thủ tục hành chính. Theo tính toán, việc này giúp tiết kiệm 8.000 ngày công, tương đương 3.332 tỷ đồng/năm, đó là chưa tính tới chi phí cơ hội… “Số liệu cắt giảm của Bộ Y tế rất cao nhưng cần xem xét lại về thực chất việc cắt giảm vì nhiều doanh nghiệp liên quan lĩnh vực trang thiết bị y tế, dược còn kêu nhiều lắm, chỉ có lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm phản hồi tốt. Doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng đâu”, ông Mai Tiến Dũng nói đồng thời lưu ý các bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, tạo hiệu quả rõ rệt cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Đình Cung kể, có chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh than thở “cứ lên bộ là rất sợ”, vì không biết gặp ai cho đúng và chẳng biết bao giờ mới xong. Từ đó, ông đưa ra nhận định “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa chưa nóng”.

MỚI - NÓNG