Bỏ mệnh lệnh hành chính với doanh nghiệp

Tính đến 30-6-2011, Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế 31.565 tỷ đồng, một trong những nguyên nhân được EVN đưa ra là do phải gánh nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội và không được Chính phủ cho tăng giá điện (Ảnh chụp Thủy điện Ialy)
Tính đến 30-6-2011, Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế 31.565 tỷ đồng, một trong những nguyên nhân được EVN đưa ra là do phải gánh nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội và không được Chính phủ cho tăng giá điện (Ảnh chụp Thủy điện Ialy)
TP - L.T.S: Việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực được coi là quan trọng nhất trong nền kinh tế, nên bắt đầu từ đâu và như thế nào?

> Quyết định tái cơ cấu nền kinh tế

Hội nghị lần thứ 3 BCH T.Ư Đảng (khóa XI) quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó 3 lĩnh vực quan trọng nhất phải tái cơ cấu là đầu tư công, thị trường tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực trên, nên bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Tính đến 30-6-2011, Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế 31.565 tỷ đồng, một trong những nguyên nhân được EVN đưa ra là do phải gánh nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội và không được Chính phủ cho tăng giá điện (Ảnh chụp Thủy điện Ialy)
Tính đến 30-6-2011, Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế 31.565 tỷ đồng, một trong những nguyên nhân được EVN đưa ra là do phải gánh nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội và không được Chính phủ cho tăng giá điện. (Ảnh chụp Thủy điện Ialy).
 

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), muốn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công, thì đầu tiên phải thay đổi mô hình quản trị, từ đó sẽ bỏ được cách điều hành doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Phải coi DNNN là đối tác chứ không phải công cụ của Chính phủ...

Đối tác, chứ không phải công cụ

Từ trước đến nay chúng ta vẫn xác định DNNN là xương sống của nền kinh tế. Vậy việc tái cấu trúc các doanh nghiệp này phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Cổ phần hóa chỉ là một trong những giải pháp, thì chúng ta đã và đang thực hiện rồi. Có một số người cho rằng cổ phần hóa giúp thoát được cơ chế giám sát bất hợp lý, kém hiệu quả sang cơ chế kiểm soát hợp lý, minh bạch và hiệu quả.

Nhưng theo tôi, cái cần thay đổi, để từ đó tạo nên sự thay đổi căn bản với các DNNN là phải thay đổi về cách thức quản trị, bớt đi những thứ giám sát, kiểm soát quá nặng nề, hành chính, làm thui chột động lực của doanh nghiệp nói chung.

Nhưng bên cạnh việc thay đổi hệ thống quản trị, các DNNN luôn vin vào lý do phải gánh các trách nhiệm xã hội, nhiệm vụ chính trị, nên rất chậm đổi mới?

Khi đã nói đến thay đổi thì phải thay đổi từ quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang một hệ thống quản trị theo thông lệ quốc tế, khi đó nhiệm vụ chính trị sẽ không còn nữa. Mọi sự phải tách bạch và doanh nghiệp lúc này chỉ có lấy lợi nhuận làm mục tiêu kinh doanh.

Tất nhiên, họ cũng phải thực hiện các trách nhiệm xã hội nhưng không phải gánh, thực hiện nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao. Cần nói rõ, thực hiện những nhiệm vụ công ích là chức năng của nhà nước, không phải của doanh nghiệp.

Chức năng của nhà nước có thể thực hiện thông qua doanh nghiệp nhưng Nhà nước phải bỏ tiền ra làm việc đó. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ, nhà nước lấy tiền thuế của người dân đóng để mua dịch vụ đó cung cấp cho người dân.

Doanh nghiệp khi đó là đối tác của nhà nước chứ không phải bắt doanh nghiệp gánh chịu cái đó. Vấn đề là thay đổi cơ chế để những nguồn lực tại chỗ này được sử dụng tốt nhất. Làm được thì sẽ giúp khơi dòng để những thứ khác chảy về đây. Vấn đề là phải mở van cơ chế.

Vậy theo ông sẽ phải mở thế nào?

Để mở thì phải quay về vấn đề quản trị, phải thoát được cơ chế quản lý hành chính, vụ việc, kém hiệu quả làm thui chột các sáng kiến kinh doanh và không động viên được người giỏi. Để làm được phải chuyển sang quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế.

ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư
ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư .

Xóa cơ chế chủ quản

Nhiều ý kiến cho rằng cần tách các doanh nghiệp nhà nước khỏi các bộ chủ quản để họ tự bơi chứ không nên bám vào bộ chủ quản để hưởng lợi từ cơ chế xin cho. Ông đánh giá thế nào?

Đây là một nội dung của thiết lập khung quản trị và thực hiện quản trị theo thông lệ quốc tế. Nếu vẫn để các bộ chủ quản, làm nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp thì sẽ không bao giờ làm được gì cả. Ở đây phải quyết trên cơ sở lợi ích quốc gia, như Tổng Bí thư đã nói: Không để tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm chi phối. Vì lợi ích quốc gia phải nâng cao năng lực hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Nếu đã quyết định như thế thì phải tách hẳn chức năng quyền chủ sở hữu nhà nước ra khỏi những chức năng khác của nhà nước. Việc này đồng nghĩa các bộ không còn trực tiếp thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước ở doanh nghiệp. Khi tách các doanh nghiệp này ra không cần có cơ quan nào quản lý cả, vì hội đồng quản trị của các doanh nghiệp này phải thực hiện theo các quy chuẩn quản trị quốc tế.

Bộ Tài chính mới đây có quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai đề án khi được phê duyệt. Theo ông, Bộ Tài chính đảm nhiệm việc này có tái cấu trúc được doanh nghiệp không?

Ở đây phải xác định việc tái cơ cấu đó là gì. Đây là vấn đề kinh tế chính trị chứ không phải vấn đề tài chính. Tôi chưa hiểu họ định làm gì nhưng ở tầm một bộ, một khía cạnh thì không ổn. Với sự thay đổi mang tính quốc gia, mang tính tổng thể như đề cập thì theo tôi cần có nhiều bộ và có tổ chức lớn hơn, ở tầm cao hơn nhiều mới làm được.

Một ban chỉ đạo do ông thứ trưởng đứng đầu, lại chỉ thuộc một bộ làm thì đâu ăn thua gì. Phải là một ban chỉ đạo trung ương trực thuộc Thủ tướng hoặc ít nhất do một Phó Thủ tướng chỉ đạo, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu có tiếng nói độc lập, không gắn với hành chính tham mưu thì mới làm được.

Cảm ơn ông.

Việt Nam hiện có hơn 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp T.Ư năm 2010, tổng vốn nhà nước tại khối doanh nghiệp nhà nước là 492.579 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện giữ 100% vốn điều lệ của 484 doanh nghiệp thành viên, giữ trên 50% vốn điều lệ ở gần 1.500 doanh nghiệp.

 
 

Phạm Tuyên thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG