Trẻ em nghỉ hè mùa COVID-19: Ẩn họa sau màn hình-Bài 2

Bố mẹ stress, con bệnh tật bủa vây

0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em lấy hành lang chung cư làm chỗ chơi trong những ngày dịch bệnh bùng phát Ảnh: LƯU TRINH
Trẻ em lấy hành lang chung cư làm chỗ chơi trong những ngày dịch bệnh bùng phát Ảnh: LƯU TRINH
TP - Vì bất lực nên nhiều phụ huynh phải thoả hiệp, cho con chơi điện thoại, iPad. Lúc đầu là giải trí, sau chúng trở nên “nghiện” những thiết bị công nghệ này, ảnh hưởng đến tâm sinh lý con trẻ. Cũng vì bí bách trong việc trông con, nhiều gia đình sinh hoạt bị đảo lộn, thậm chí sứt mẻ.

Mất tiền oan vì con cầm máy đặt mua hàng

“Toang” chính là từ được anh Nguyễn Minh Hùng (40 tuổi, ngụ ở chung cư quận Bình Tân, TPHCM) diễn tả gia đình trong những ngày dịch dã. Do tính chất công việc nên anh Hùng vẫn phải đến công ty, mọi việc trong nhà đều giao hết cho vợ.

Vợ anh Hùng kinh doanh thực phẩm online, mùa dịch càng đắt hàng vì khách ngại đến nơi đông người, tất cả đều đặt mua trực tuyến và giao tận nhà. Để hai cô con gái sinh đôi (5 tuổi) chịu ngồi yên, mẹ bé giao hẳn chiếc điện thoại cho con xem ca nhạc, hoạt hình còn mình túi bụi livestream (bán hàng trực tuyến) và chốt đơn…

“Đi làm về thấy các con đều chúi mũi vào điện thoại, tôi có ý kiến với vợ phải dành thời gian chăm con thì cô ấy bù lu, bù loa, ra tối hậu thư: hoặc tôi phải đưa con theo, hoặc phải xin nghỉ phép để ở nhà phụ vợ trông con. Hai vợ chồng to tiếng cãi vã, vợ tôi đòi ly hôn…”, anh Hùng chán nản nói.

Trường hợp của chị Lê Thị Lệ Hoa (nhân viên PR - Marketing ở quận 1, TPHCM) được chị kể ra mà “cười ra nước mắt”. Chuyện là cô con gái vừa vào lớp 6 của chị Hoa thường xuyên dùng điện thoại của mẹ xem Youtube. Nghỉ dịch, quanh quẩn trong nhà không được đi đâu, cô bé mượn điện thoại của mẹ nhiều hơn. Để có thể tập trung viết bài cho khách hàng, chị Hoa giao điện thoại cho con.

Chẳng ngờ vài ngày sau đó, chị Hoa liên tục nhận được điện thoại của các công ty giao hàng tận nhà. Nào là quần áo, giày dép, đồ chơi, kẹp tóc… đến cả mỹ phẩm, nữ trang đắt tiền đặt từ nước ngoài… Cứ tưởng họ giao nhầm, chị Hoa không nhận nhưng khi kiểm tra, đúng là tên cũng như địa chỉ của mình. Hỏi ra mới biết, chính cô con gái là người đặt mua.

“Vài cú chạm chạm là hàng vào giỏ. Con bé giải thích, tưởng là bỏ vào giỏ cho vui chứ không biết là mua thật. Tổng cộng tôi đã chi trả hơn 20 triệu đồng cho các món hàng không thể hủy”, chị Hoa nói.

Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ

Dù đã lên 5 và 3 tuổi nhưng cả hai đứa con chị Ngọc Huyền (42 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) đều không chịu nói hoặc chỉ nói bập bẹ từng từ. Chị Huyền làm mẹ đơn thân, do dịch nên từ năm ngoái đến nay chủ yếu làm việc ở nhà. Không có thời gian chơi với con nên chị thường để con làm bạn với điện thoại mỗi khi ở nhà.

“Gần đây thấy con không chịu nói, hay cáu kỉnh khi mẹ không cho chơi điện thoại nên tôi đưa đi khám bác sĩ. Khám mới biết con bị hội chứng chậm phát triển ngôn ngữ, trong đó có nguyên nhân do xem điện thoại, tivi trong thời gian dài…”, chị Huyền bộc bạch.

“Khi dùng điện thoại quá lâu làm tăng nguy cơ mệt mỏi, stress; đặc biệt ảnh hưởng tinh thần, loạn thần do nghiện game… Đối với trẻ trong giai đoạn phát triển về mặt thể chất sẽ ảnh hưởng đến khung xương, chiều cao. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng thị lực, ảnh hưởng cảm xúc, không kiềm chế được bản thân…”.

BS CK2 Trần Minh Khuyên - Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM

Vợ chồng chị Hồ Thị Liên (Hà Đông, Hà Nội) có hai con, đứa nhỏ 2 tuổi còn đứa 7 tuổi. Nhà có giúp việc nên chị Liên yên tâm phần nào giờ giấc ăn ngủ của chúng, nhưng cũng không thể tránh được việc phụ thuộc vào tivi, Ipad. Chị Liên kể, vì cả ngày ở nhà luẩn quẩn trong căn hộ chung cư 60m2 nên bọn trẻ con rất bí bách; chơi đi chơi lại mấy trò cũng chán, chúng lại mở tivi xem. “Một khi bọn nhỏ đã mở tivi là không dứt ra được. Chúng cứ xem triền miên hết kênh này sang kênh khác. Bố mẹ ở nhà còn nói được chứ bà giúp việc mà tắt tivi là hai đứa lăn ra khóc ăn vạ”, chị Liên nói.

Chị Liên cho biết thêm, thấy con hay kêu mỏi mắt, nhức mắt, mới đây chị cho con đi khám thì đứa con gái đầu cận mắt trái 1,75 độ, mắt phải 1,5 độ. “Bác sĩ khuyên không được cho xem tivi, điện thoại nữa, không tốt cho sức khỏe thị lực.

Tôi cũng biết vậy, cũng làm mọi cách từ nhẹ nhàng nhắc nhở, giảng giải đến dọa nạt, mắng mỏ, rồi các hình phạt xem tivi nhiều nhưng cũng không thay đổi được tình hình. Trẻ con rất hiếu động, mà dịch bệnh thế này bị nhốt trong nhà đúng là một cực hình đối với chúng”, chị Liên nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, ai cũng có thể bị stress trong thời gian nghỉ dài vì dịch COVID-19. Đã có cơ sở khoa học cho thấy nếu phải giãn cách hơn 14 ngày thì ai cũng có thể gặp ảnh hưởng về tinh thần. Trẻ em dưới 10 tuổi nằm trong nhóm đối tượng dễ stress hơn vì các em chưa đủ năng lượng để kiểm soát cảm xúc, chưa biết tự điều phối và hướng mối quan tâm của mình vào các kế hoạch cá nhân với mục tiêu, hoạt động cụ thể.

Làm việc tại một công ty truyền thông ở Mạc Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), hơn tháng nay, chị Trần Hồng Lan làm việc trực tuyến tại nhà. Đang mang bầu 5 tháng, ở nhà chị Lan vừa làm việc vừa trông đứa con trai 4 tuổi, nhiều lúc bị stress (căng thẳng tâm lý). “Nhiều hôm công việc căng thẳng, cộng với việc con cứ khóc lóc bên cạnh, stress quá, tôi quay ra quát mắng, rồi cho con ăn phạt. Qua cơn bực tức ngẫm lại thấy mình thật có lỗi với con, thương con vô cùng”, chị Lan nói và cho biết, mỗi lần con mè nheo, chị đành cho con xem điện thoại để yên thân làm việc.

Theo BS CK2 Trần Minh Khuyên - Trưởng khoa Tâm thần kinh và Trị liệu tâm lý Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM, vào thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, nhiều vùng bị giãn cách xã hội và trẻ em không được đến trường, học online... làm gia tăng nguy cơ trẻ em nghiện điện thoại.

Theo BS Khuyên, khi trẻ đã nghiện điện thoại, phụ huynh không nên “ngắt nguồn” đột ngột vì dễ làm trẻ kích động. Thay vào đó, phải cai từ từ, quy định thời gian chơi - nghỉ cho trẻ thích ứng dần.

“Phụ huynh cần lên kế hoạch trong thời gian giãn cách, như chuẩn bị đồ chơi cho trẻ và hướng dẫn cách chơi. Khi trẻ đã ham thích thì phụ huynh vẫn có thể làm việc bình thường. Đồng thời có những phần thưởng tạo hứng thú cho con”, BS Khuyên tư vấn.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.