Tại hội nghị, ông Phạm Đức Thắng- Phó Vụ trưởng, Vụ dạy nghề chính quy cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2016, tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành phố trên cả nước, kết quả tuyển sinh năm 2016 đạt được 2.367.654 người, trong đó: trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề là 241.411 sinh viên (cao đẳng ước đạt 149.852 sinh viên; cao đẳng nghề là 91.559 sinh viên, chiếm 10,2%).
Trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 290.231 học sinh (trung cấp nghề là 147.096 học sinh; trung cấp chuyên nghiệp là 143.135 học sinh) chiếm 12,3%.
Trong đó, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 116.222 học sinh, chiếm 40% so với tổng số học sinh vào học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Kết quả tốt nghiệp năm 2016 bao gồm cả cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng đạt 1.974.193 người, trong đó, trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề là 172.051 sinh viên (cao đẳng ước đạt 107.893 sinh viên; cao đẳng nghề là 64.158 sinh viên) chiếm 8,7% so với tổng số người tốt nghiệp các cấp.
Trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 205.374 học sinh (Trung cấp nghề 99.454 học sinh; TCNN là 105.920 học sinh) chiếm 10,4% so với tổng số người tốt nghiệp.
Phương hướng tổ chức thi tốt nghiệp năm 2017 bao gồm: tăng cường tuyển sinh trình độ CĐ, Trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo.
Bên cạnh đó tăng cường tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS vào học TC theo tinh thần của chỉ thị 10. Tuyển sinh trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên nhằm trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Nhiệm vụ đặt ra là phải tuyển sinh được 2.2 triệu người, trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người; sơ cấp và dưới ba tháng là 1.66 triệu người.
Muốn đạt được những mục tiêu đặt ra như vậy, theo Phó vụ trưởng Thắng, đầu tiên phải tổ chức tốt, có hiệu quả các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ về công tác đào tạo nhân lực.
Tham mưu cho các cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt chỉ thị số 10, tăng cường công tác tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp cũng như thực hiện tốt chính sách đối với học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp.
“Bên cạnh đó phải phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh tình trạng học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Hợp tác quốc tế cũng là vấn đề cần quan tâm để tìm kiếm các đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” ông Thắng nhấn mạnh.